14/08/2018 - 21:57

Đạo luật quốc phòng Mỹ “chọc giận” Trung Quốc 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) vừa ký đạo luật quốc phòng cho phép ủy quyền chi tiêu quân sự. Đạo luật cũng nhấn mạnh “cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc” là ưu tiên hàng đầu của Washington.

 Ảnh: AP

Trong tuyên bố hôm 13-8, Tổng thống Trump khẳng định đạo luật mới là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất đối với lực lượng vũ trang thời hiện đại, giúp tăng cường sức mạnh quân đội Mỹ ở mức chưa từng có. Điều này đòi hỏi chiến lược “toàn chính phủ”, kết hợp ngoại giao, kinh tế, tình báo, thực thi pháp luật và các yếu tố quân sự để bảo vệ và tăng cường an ninh quốc gia.

Cụ thể, “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) John S. McCain năm tài khóa 2019” thông qua ngân sách quốc phòng 716 tỉ USD, cho phép tăng 2,6% tiền lương đối với các thành viên thuộc quân đội Mỹ. Trong khoản ngân sách 616,9 tỉ USD, Lầu Năm Góc sẽ chi 7,6 tỉ USD để mua 77 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35 và 24,1 tỉ USD đóng thêm 13 chiến hạm mới. Quốc hội cũng phê chuẩn chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-21. Trong tổng ngân sách còn lại, Lầu Năm Góc sẽ dành 69 tỉ USD cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài và 21,9 tỉ USD cho các chương trình vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, NDAA 2019 có điều khoản cấm bàn giao chiến đấu cơ F-35 cho đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ do lo ngại Ankara đang muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Lầu Năm Góc cũng được yêu cầu xem xét liệu kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ có dẫn đến rủi ro về an toàn đối với vũ khí do Mỹ chế tạo hay không.

 “Nhẹ tay” với Trung Quốc?

Theo Reuters, NDAA 2019 đề ra những điều khoản kiểm soát hợp đồng giữa chính phủ Mỹ với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông ZTE do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Một số nhà lập pháp Mỹ hiện muốn tái áp đặt các biện pháp cứng rắn lên ZTE để trừng phạt tập đoàn này vi phạm lệnh cấm bán sản phẩm cho Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, những biện pháp kiềm chế trong bản NDAA mà Quốc hội Mỹ thông qua bị nhìn nhận yếu hơn những phiên bản trước đó. 

Dù vậy, trong động thái được cho nhắm đến Bắc Kinh, NDAA 2019 yêu cầu tăng cường vai trò của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) chuyên đánh giá các khoản đầu tư xem chúng có đe dọa an ninh quốc gia hay không. Về mặt quân sự, đạo luật xác định khai trừ Trung Quốc khỏi hoạt động diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu - Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia sự kiện thường niên nói trên nhằm phản đối Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Mặt khác, NDAA 2019 cũng kêu gọi tăng cường hỗ trợ năng lực quân sự cho Đài Loan, thắt chặt quan hệ an ninh với Ấn Độ và tái khẳng định cam kết với các đồng minh khu vực.

Động thái của Mỹ ngay lập tức “chọc giận” Trung Quốc. Nước này tuyên bố cam kết quân sự của Washington đối với Đài Loan cũng như điều khoản giám sát chặt chẽ các công ty Trung Quốc sẽ làm tổn hại quan hệ giữa hai nước. Bắc Kinh kêu gọi Washington nên từ bỏ “lối tư duy Chiến tranh Lạnh”, xem xét quan hệ song phương một cách “chính xác, khách quan và không thực thi các điều khoản tiêu cực nhắm vào Trung Quốc”. 

Hôm 13-8, Mỹ công bố khoản viện trợ “quân sự nước ngoài” trị giá 39 triệu USD cho Sri Lanka nhằm giúp nước này tăng cường an ninh hàng hải giữa lúc Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng chiến lược trên quốc đảo Ấn Độ Dương.

 Đây là một phần trong gói viện trợ trị giá 300 triệu USD mà Washington dành riêng cho khu vực Nam và Đông Nam Á để đảm bảo “một trật tự tự do, cởi mở và dựa trên quy tắc trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”.  Sri Lanka vốn là mắt xích quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc. Ngoài các dự án cảng và xây dựng, Bắc Kinh cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính bao gồm các khoản vay cho Sri Lanka bất chấp cảnh báo về số nợ ngày càng tăng của quốc đảo này.


MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết