11/12/2007 - 16:33

"Đánh thức" tiềm năng kinh tế biên giới Tây Nam

Chính thức khai trương vào ngày 24-5-2007, cửa khẩu quốc tế Xà Xía (Kiên Giang) được đánh giá cao trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia. Còn khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) sau 5 năm đi vào hoạt động đã trở thành trung tâm mua sắm hấp dẫn khách du lịch và là khu kinh tế trọng điểm của vùng biên giới Tây Nam. Nhiều chương trình, kế hoạch đầu tư đang được chính quyền hai địa phương xúc tiến để “đánh thức”tiềm năng kinh tế biên giới Tây Nam.

Rộng cửa giao thương

Được tỉnh An Giang cho phép, năm 1999, chính quyền huyện Tịnh Biên đã xây dựng chợ biên giới Tịnh Biên với qui mô 510 ki-ốt ngay cạnh tuyến đường chính (Quốc lộ 91) ra cửa khẩu Tịnh Biên, cách biên giới Việt Nam–Campuchia khoảng 500m. Chợ có vị trí nằm ngay trên Quốc lộ 91 nối liền với Quốc lộ 2 Campuchia, cách Thủ đô Phnom Penh khoảng 110km, nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và góp phần thúc đẩy giao thương giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh An Giang với tỉnh Tà-Keo và thành phố Phnom Penh.

Chợ vừa xây xong, cửa khẩu quốc gia Tịnh Biên được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế. Ông Đào Văn Bé, Trưởng ban quản lý chợ cho biết, đầu năm 2002, chợ Tịnh Biên mới đưa vào hoạt động đã sôi động hẳn lên. Không chỉ có khách hàng là cư dân hai tỉnh Tà-Keo và An Giang, mỗi năm chợ Tịnh Biên còn thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch từ lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc) đến tham quan mua sắm. Năm 2007, đến thời điểm 15-11, doanh số bán ra của chợ đạt 80 tỉ đồng (tăng 20% so cùng kỳ năm 2006) với hơn 700.000 lượt khách tham quan mua sắm (tăng 150%).

 Hàng hóa tập kết tại cửa khẩu quốc tế Xà Xía để chuẩn bị xuất khẩu sang Campuchia.

Ngoài vị trí “đắc địa”, chợ Tịnh Biên phát triển nhanh còn do làm tốt khâu quản lý kinh doanh. Hàng hóa ở đây được niêm yết và bán đúng giá cho khách; tiểu thương kinh doanh cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Ban quản lý chợ làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; bài trừ các tệ nạn móc túi, trộm cắp, dẹp nạn mua bán hàng rong lôi kéo, chèn ép khách du lịch; làm vệ sinh môi trường khu vực nhà lồng, sân chợ và điều tiết giao thông. Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn kết hợp với ngành y tế thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa. Nhờ đó, khách yên tâm đến mua sắm.

Bà Năm Thu ở tỉnh Trà Vinh cho biết đã hai lần đến chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên mua sắm. Ở đây, hàng hóa chất lượng tốt, giá rẻ và người buôn bán giao tiếp cởi mở, lịch sự. Mỗi chuyến đi, bà mua thực phẩm, vải vóc, trái cây, hàng tiêu dùng. Còn chị Trần Thị Cẩm Loan, tiểu thương kinh doanh ở quầy 38, 39, 40B trong chợ Tịnh Biên nói: “Mùa lễ hội vía Bà, khách mua sắm đông lắm, lực lượng bảo vệ tuần tra cả ngày nên không xảy ra chuyện mất cắp. Tiểu thương buôn bán đến chiều thu dọn hàng hóa, đóng cửa ra về, giao cho lực lượng bảo vệ canh giữ, từ 5-6 năm nay chưa bao giờ xảy ra mất trộm”.

Ở Kiên Giang, hàng hóa qua biên giới chủ yếu qua cửa khẩu quốc tế Xà Xía -Preak Chak (tỉnh Cam-pốt, Campuchia). Ở vị trí nằm trên hành lang ven biển Vịnh Thái Lan, cửa khẩu quốc tế Xà Xía được đánh giá cao về tiềm lực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và du lịch. Vì vậy, kinh tế cửa khẩu Kiên Giang dự kiến sẽ tăng kim ngạch hơn gấp đôi trong năm 2007. Tuy nhiên, so với tiềm lực sẵn có, mức tăng này (tương đương 11 triệu USD) vẫn chưa tương xứng. Ông Trần Minh Chiến, Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên-Trưởng Ban quản lý Kinh tế cửa khẩu thị xã Hà Tiên, cho biết: “Hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Xà Xía vẫn chưa mạnh do cự ly vận chuyển từ các tỉnh ĐBSCL rất xa so với An Giang. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phía Campuchia, đoạn nối liền với cửa khẩu Xà Xía, bị xuống cấp nghiêm trọng, đi lại khó khăn...”. Vì thế, Kiên Giang đang xúc tiến hỗ trợ tỉnh bạn nâng cấp tuyến đường này tạo điều kiện tốt để hàng hóa hai nước lưu thông.

Tạo đà để tăng tốc

Năm 2003, UBND tỉnh An Giang phê duyệt dự án phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên đến năm 2020. Trước mắt, tỉnh đầu tư xây dựng Khu thương mại-dịch vụ (11ha) gồm: kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, văn phòng giới thiệu sản phẩm, bến âu thuyền (4ha); khu công nghiệp sạch (57ha); khu vui chơi giải trí (5ha); khu dân cư và chợ hàng nông sản, thực phẩm tươi sống (8ha). Khu trung tâm hành chính huyện Tịnh Biên (85ha) đang quy hoạch di dời ra biên giới.

UBND Tịnh Biên (An Giang) cũng đã đầu tư 3,7 tỉ đồng để chỉnh trang diện mạo chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Theo đó, thực hiện nâng cấp hệ thống thoát nước, sân chợ, giải tỏa, xây bờ kè công viên dọc kênh Vĩnh Tế (từ cầu Hữu Nghị đến UBND thị trấn) đến cuối năm...

Còn ở Kiên Giang, về lâu dài, tỉnh sẽ đầu tư phát triển hệ thống các khu cụm công nghiệp tại Hà Tiên và các huyện lân cận để tạo nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Xà Xía. Hiện nay, khu công nghiệp Thuận Yên-thị xã Hà Tiên đã được Chính phủ phê duyệt trong hệ thống các khu công nghiệp quốc gia. Khu công nghiệp này ra đời sẽ tiêu thụ nguồn nguyên liệu nông, thủy, hải sản của Kiên Giang và các tỉnh lân cận của Vương quốc Campuchia. Nguồn hàng xuất khẩu đi qua cửa khẩu Xà Xía để đến các nước phía Tây và thế giới. Ngoài ra, Kiên Giang cũng đang quy hoạch Khu Bảo thuế Xà Xía để thúc đẩy kinh tế mậu biên phát triển. Khu vực này có diện tích 52,5 ha, vốn đầu tư 160 tỉ đồng. Cửa hàng miễn thuế rộng 2,4 ha với vốn đầu tư 15 tỉ đồng. Triển vọng không xa, khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên sẽ đóng vai trò là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng của Kiên Giang và cả vùng ĐBSCL với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện nay, hai tỉnh Kiên Giang và Cam-pốt đang bàn bạc và sẽ đi đến thống nhất với nhau một chương trình phát triển ngay tại biên giới về thương mại, du lịch, văn hóa và những hoạt động khác để phục vụ cho kinh tế cửa khẩu phát triển”. Cửa khẩu Xà Xía không chỉ có xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn là cửa ngõ đi lại của du khách. Nằm trên hàng lang ven biển Vịnh Thái Lan, đây sẽ là cửa ngõ lý tưởng để du khách, hàng hóa Thái Lan, Campuchia và các nước lân cận đổ vào Việt Nam và ngược lại. Khi đường bộ ven biển Vịnh Thái Lan hình thành, Xà Xía trở thành vị trí quan trọng trong việc đón nhận du khách qua lại cửa khẩu để đến Việt Nam và qua Campuchia, Thái Lan...

THÀNH NGUYỄN-VŨ HÀ

Chia sẻ bài viết