13/09/2013 - 22:41

Đánh thức tiềm năng du lịch duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long

Cụm duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 4 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh. Theo “Đề án phát triển du lịch ĐBSCL năm 2020” sản phẩm du lịch đặc trưng nơi đây là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng, làng nghề, văn hóa lịch sử… Tuy nhiên, du khách đến cụm duyên hải còn khiêm tốn, năm 2012, chỉ có gần 2,9 triệu lượt du khách, chiếm khoảng 15%  so với lượng du khách toàn vùng. Vì sao cụm duyên hải còn ít du khách như vậy và làm thế nào để tương lai hấp dẫn du khách hơn? Đó là những vấn đề được bàn đến tại Hội thảo “Liên kết, phát triển tuyến, điểm du lịch cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL” được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre vừa tổ chức tại Bến Tre.

Chưa tương xứng với lợi thế tiềm năng…

Cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL được bao bọc bởi các nhánh sông của dòng sông huyền thoại Mekong, với 3 tỉnh tiếp giáp biển (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh). Những dòng sông uốn lượn thơ mộng chở nặng phù sa đã bồi đắp cho miền duyên hải này nên những ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay, những vườn cây ăn trái bạt ngàn, bốn mùa trĩu quả. Du khách đến đây sẽ cảm nhận không gian rộng lớn của màu xanh cây trái, ruộng đồng, với không khí trong lành của đồng quê thanh bình.

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh cụm duyên hải phía đông ĐBSCL và Hiệp hội Du lịch ĐBSCL ký kết hợp tác phát triển du lịch.

Tiền Giang nổi tiếng với chợ nổi và làng nhà cổ Cái Bè, cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, bãi biển Tân Thành, di tích Rạch Gầm-Xoài Mút, Ấp Bắc, chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm. Vĩnh Long được biết đến với du lịch miệt vườn cù lao Bình Hòa Phước, khu du lịch Trường An, Văn Thánh Miếu, làng nghề gốm. Bến Tre “vương quốc” dừa với lễ hội dừa, lễ hội trái ngon, du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng Chợ Lách, làng nghề hoa kiểng Cái Mơn, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Bến Tre, vườn chim Vàm Hồ, bãi biển Thừa Đức, bãi biển Thạnh Hải, các di tích Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản… Trà Vinh với thắng cảnh ao Bà Om, chùa Âng, chùa Cò, bãi biển Ba Động, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải, lễ chùa Ông Bổn, lễ hội Ok-Om-Bok, lễ Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều đặc sản, ẩm thực nổi tiếng của vùng ĐBSCL như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang); bưởi Da Xanh, măng cụt Cái Mơn, sầu riêng Chín Hóa, dừa dứa, bánh tráng, bánh phồng (Bến Tre); bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, sầu riêng RI 6 (Vĩnh Long); tôm khô Vinh Kim, bánh tét Trà Cuôn, bánh canh Bến Có (Trà Vinh)…

Mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế như vậy nhưng hiện nay cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL chưa thu hút được nhiều du khách. Ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, cho biết: “Tiềm năng và thế mạnh của cụm vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch mỗi tỉnh cho nền kinh tế tỉnh nhà còn thấp. Hơn 10 năm qua, việc phát triển du lịch các tỉnh trong cụm bộc lộ nhiều hạn chế, còn bất cập trên nhiều phương diện. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế nhất là việc quảng bá ra nước ngoài chưa được thực hiện…”.

Để sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn

Theo định hướng phát triển du lịch ĐBSCL, cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL được xác định là cửa ngõ đường bộ miền Tây đón du khách. Dự báo đến năm 2020, nơi đây sẽ đón 29% lượng khách nội địa và 56% lượng khách quốc tế của toàn vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay, khách nội địa nơi đây còn rất khiêm tốn chỉ chiếm khoảng 28%  nhưng khách quốc tế lên đến 69,2 % của toàn vùng ĐBSCL. Như vậy, lượng khách quốc tế đã vượt dự báo năm 2020. Điều đó, cho thấy cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL đang hấp dẫn du khách nước ngoài.

Một góc Forever Green Resort (Bến Tre).

Ông Lưu Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho rằng trong thời gian qua cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL chưa thật sự hấp dẫn và giữ chân du khách được lâu hơn. Nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch trùng lắp, mạnh ai nấy làm chưa tạo được sự liên kết. Các công ty du lịch địa phương ở các tỉnh cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL chỉ mới tập trung vào việc tham quan, còn các chương trình khác chưa được khai thác đúng mức, chưa tạo điều kiện tốt để du khách tiếp cận đời sống văn hóa của cư dân địa phương và các dịch vụ khác. Theo ông Lưu Hoàng Minh, để du lịch cụm duyên  hải phía Đông ĐBSCL hấp dẫn và phát triển bền vững cần có sự hợp tác, tránh trùng lắp, đơn điệu sản phẩm, tránh tình trạng giẫm chân, sao chép tour, cạnh tranh không lành mạnh. Để có được sản phẩm phong phú độc đáo, đặc sắc hấp dẫn tại cụm này, thì việc xây dựng sản phẩm phải mang được chất tinh túy, hồn cốt của đời sống cư dân vùng hạ lưu sông Mekong, tôn vinh giá trị tinh thần, những di sản văn hóa phi vật thể, nhằm tạo nên sự khác biệt, độc đáo của các chương trình tour giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch Tiền Giang, cho rằng việc hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL và cùng nhau xúc tiến quảng bá là cơ hội để đánh thức tiềm năng du lịch ở nơi đây. “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre đưa ra ý tưởng liên kết xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá du lịch chung 4 tỉnh, đây là ý tưởng tốt đẹp, thiết thực. Sự liên kết giữa các trung tâm để xúc tiến quảng bá du lịch sẽ tạo thêm sức mạnh mới, tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, là cơ sở có thể kéo dài thời gian dừng chân thưởng ngoạn của du khách…” - ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Tại Hội thảo “Liên kết phát triển tuyến, điểm du lịch cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL”, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch của các tỉnh trong cụm cùng Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã ký kết hợp tác. Công ty Cổ phần Du lịch Bến Tre và Công ty Cổ phần Du lịch Trà Vinh, Công ty TNHH Du lịch Cồn Phụng và Công ty Du lịch Sinh Thái Tiền Giang, đã ký kết hợp tác, đồng thời, Ban điều phối Chương trình Hợp tác phát triển du lịch cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL được thành lập. Ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: “4 tỉnh cụm duyên hải phía Đông ĐBSCL có nhiều tiềm năng thế mạnh du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, văn hóa lịch sử, lễ hội… Nếu các tỉnh cùng liên kết hợp tác thành tour, tuyến điểm du lịch đặc trưng, tin chắc rằng triển vọng phát triển du lịch nơi đây sẽ mở ra nhiều hơn…”

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

 

Chia sẻ bài viết