15/02/2018 - 15:35

Đánh thức tiềm năng du lịch biển Cồn Bửng

(TTXVN) - Cách đây 10 năm, bãi biển phù sa Cồn Bửng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không được khách thập phương biết đến. Thế nhưng, năm 2017, tổng lượt khách tìm đến bãi biển vui chơi, giải trí, tắm biển, tham quan… lên đến 300.000 lượt. Riêng mỗi dịp lễ, Tết nơi đây đón khoảng 1.500 lượt khách. 

Đến bãi biển Cồn Bửng một ngày cuối năm Đinh Dậu đầy nắng gió, đường quốc lộ 57, bốn năm trước, đoạn qua xã Thạnh Phong, xã Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú) ổ gà, ổ voi khiến du khách ám ảnh khi về với bãi biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải. Hai năm trở lại đây, quốc lộ 57 đã được đầu tư rải nhựa, rộng thênh thang. Đoạn đường đất đỏ, bụi mù mịt dài hơn 5km từ trung tâm xã Thạnh Hải ra bãi biển cũng vừa được tỉnh Bến Tre đầu tư rải nhựa, mở rộng và làm mới thêm cây cầu Cồn Bửng, ô tô chạy dễ dàng đến tận bãi biển. 

Chỉ mới đầu năm 2017, chúng tôi còn về bãi biển này làm phóng sự về sự tàn phá của thiên nhiên. Biến đổi khí hậu, biển xâm thực hàng chục mét đất của người dân sống dọc bãi biển, nhiều diện tích hoa màu bị thu hẹp. Hôm nay, trở lại bãi biển Cồn Bửng, thấy một hình ảnh hoàn toàn khác. Dọc bờ biển, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp làm du lịch đã tự bỏ tiền ra làm bờ kè chắn sóng. Màu trắng của bờ kè vững chắc chạy dọc đến hơn 1km bờ biển thay cho những bao cát chắn sóng tạm bợ ngày nào. Những hàng quán liêu xiêu đã được đầu tư khang trang hơn dưới những hàng dương rợp mát. 

Người tiên phong “chặn sạt lở” là ông Phạm Văn Vạn, ấp Thạnh Hải. Năm 2016, ông Vạn đã chi trên 500 triệu đồng để đổ bê tông 75m bờ kè chắn sóng, tạo độ kiên cố cho 10 quán ăn mà ông cho các hộ kinh doanh thuê. 

“Phải làm thì những người thuê quán mới tiếp tục thuê và buôn bán được chứ không làm bờ kè kiên cố mỗi năm đến đợt gió chướng cuốn đi mất vài chục mét đất. Tôi làm, nhiều người thấy vậy cũng làm theo. Nhờ kè chắn sóng mà quán sạch sẽ, kiên cố, khách đến quán cũng an tâm”, ông Vạn chia sẻ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, vì kinh phí của tỉnh còn khó khăn nên UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho các hộ kinh doanh dọc bờ biển Cồn Bửng được phép tự làm bờ kè trong điều kiện kinh tế của mình. Đây là cách mà tỉnh Bến Tre kêu gọi “xã hội hóa” để cùng bảo vệ và phát triển điểm du lịch Cồn Bửng. 

Nhìn ra hàng dương đang rù rì trong gió biển, ông Phạm Văn Tre, Bí thư Đảng ủy ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải hồi tưởng, trong giọng kể đầy cảm xúc: “Cách đây mười năm, Cồn Bửng còn rất hoang sơ, heo hút, cầu không có, đường đi lại còn rất khó khăn. Từ trung tâm xã Thạnh Hải ra Cồn Bửng khoảng 5km nhưng phải đi qua hai lần đò, băng rừng một tiếng mới tới. Hồi đó, ấp này có khoảng 180 hộ dân, sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa màu trên đất giồng cát. Điểm trường cũng chỉ là lớp học tạm bợ,… Thời điểm năm 2007 – 2010 vẫn chưa có khách du lịch đến với vùng này. Chỉ có vài nhóm xuống biển trồng cây gây rừng, vận động học sinh đến trường”. 

Người dân ở đây như ông Tre, ông Vạn chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó, Cồn Bửng lại nhộn nhịp, đông khách du lịch, hàng quán mọc lên nhiều như ngày nay. Bây giờ cả ấp Thạnh Hải có gần 300 hộ. Cơ sở hạ tầng, đường nhựa được mở rộng, cầu Cồn Tra, cầu Cồn Bửng đã giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Khách tìm đến Cồn Bửng vui chơi, tắm biển kéo theo nhiều hộ dân tập làm du lịch. Ngày nay, Cồn Bửng đã có khoảng 30 hộ kinh doanh, buôn bán, ăn uống, nhà nghỉ phục vụ khách đến du lịch, tắm biển. 

“10 năm trước, tôi chưa bao giờ nghĩ đồi dương đầy nắng, gió và cát sẽ là điểm du lịch đón khách trong và ngoài nước đến nhiều như vậy. Nhưng tôi tin 10 năm sau nơi đây còn phát triển hơn”, ông Tre khẳng định. 

Ông Võ Tấn Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch di tích đường Hồ Chí Minh trên biển phấn khởi cho biết nếu năm 2016, khách đến Cồn Bửng chỉ trên 200.000 lượt thì năm 2017, nơi đây đón trên 300.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt trên 24 tỷ đồng. Huyện Thạnh Phú phấn đấu năm 2018, thu hút khoảng 310.500 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống tại Cồn Bửng. 

“Riêng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất  ước đoán có khoảng trên 20.000 lượt khách sẽ đến với Cồn Bửng, đặc biệt là những ngày từ mùng 4 đến mùng 9 âm lịch”, ông Bình cho biết. 

Tỉnh Bến Tre đang đầu tư xây dựng Công viên đường Hồ Chí Minh làm nơi tham quan, tìm hiểu lịch sử về bến tàu của những con tàu huyền thoại không số ngày nào. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tại bãi biển Cồn Bửng. Trong đó, nổi bật là dự án khu du lịch sinh thái Biển Đông – Cồn Bửng gồm bãi đậu xe, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu nuôi trồng thủy sản và khu đảo khỉ phục vụ khách tham quan với diện tích 25ha; dự án khu du lịch Pháo đài – Hải đăng, Resort nghỉ dưỡng xã Thạnh Hải và dự án du lịch kết hợp bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Cồn Bửng với tổng diện tích 66,2ha,… 

Ngày cuối năm, mọi gia đình đang tất bật dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa và chuẩn bị những món ăn truyền thống cúng ông bà, tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Người làm du lịch ở Cồn Bửng còn chuẩn bị thêm nguyên liệu, thực phẩm, sửa sang hàng quán để phục vụ du khách năm mới. Còn gì tuyệt hơn khi năm mới tìm về với vùng biển đậm chất hoang sơ và giản dị, bình yên Cồn Bửng để thưởng thức hải sản, được vui đùa và tắm mình dưới biển./. 


Trần Thị Thu Hiền 

Chia sẻ bài viết