03/12/2017 - 09:25

Danh cầm “Cò Quốc” 

Trong giới đờn ca tài tử miệt Ô Môn và Thới Lai, ai cũng biết danh cầm “Cò Quốc”, hoặc ông Tư “Cò Quốc”. Mặc dầu ông đã thành người thiên cổ nhưng tiếng đờn của ông vẫn còn truyền mãi trong dân gian.

Nghệ nhân “Cò Quốc" đờn cho vợ ca những năm cuối đời. Ảnh: TL

Nghệ nhân “Cò Quốc” tên thật là Đinh Văn Quốc, sinh năm 1910, ấp Thới Bình B, Xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ông xuất thân trong gia đình nông dân, yêu thích đờn ca từ lúc nhỏ nên năm lên 10 tuổi, gia đình cho ông theo học đờn với ông Nguyễn Văn Nghiêm. Sau 3 năm miệt mài, ông Tư sử dụng nhuần nhuyễn đờn cò (đờn nhị) hai dây, đờn kìm (đờn nguyệt). Mười ba tuổi, ông Tư đã nổi tiếng, đờn được hết thảy các bài bản tổ.

Năm 1930, ông Tư tròn 20 tuổi, theo đàn cho đoàn tuồng cổ (hát bộ) ở Sài Gòn như đoàn Tân Thình, Tân Hí Ban, Tân Đồng Ban, Tân Lập, Huỳnh Kỳ… Vì đam mê nghiệp đờn, ông Tư chấp nhận cuộc đời nghệ sĩ nổi trôi rày đây mai đó.

Hát bộ chuyển dần sang tuồng tích cải lương, ông Tư tiếp tục đờn sau cánh gà cho các đoàn cải lương lớn, như: Phụng Hảo, Tân Tân, Năm Châu, Hoa Sen, Phước Chung… Bên cạnh đó, ông Tư còn cộng tác, đờn 5 năm cho Hãng dĩa nhựa Asia.

Năm 1957, ông Tư thấy tuổi đã cao, nên về lo hương khói cho chùa Vạn Đức Tự, ngôi chùa của họ tộc ông, tọa lạc ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, Ô Môn, nay thuộc huyện Thới Lai. Ngoài việc lo nhang khói cho chùa, và học kinh kệ của Phật, ông Tư còn nghiên cứu lại những ngón đờn. Khó ai đờn cò hay hơn ông, nên ông có biệt danh là “Cò Quốc”. Ông đã truyền dạy cho nghệ sĩ Chí Tâm, Ngọc Tuyết, về đờn thì có các học trò: Chín Trích, Tám Hoài, Minh Giàu, Minh Thùa, Thanh Điền, Bạch Long, Út Thành, Tư Phong, Sáu Lộc, Minh Khả….

Với đức độ và tài năng, ông Tư được giới tài tử và cải lương mến phục, xếp vào 4 danh cầm kiệt xuất của thời bấy giờ. Ngày 11 tháng 8 âm lịch hằng năm, các danh ca như nghệ sĩ Thanh Sang, Út Bạch Lan, Minh Vương, Lệ Thủy, Chí Tâm… đều lần lượt tựu về chùa Vạn Đức nơi ông Tư ở, che rạp đàn hát cả đêm cho công chúng xem chơi.

Tiếng đờn ăn sâu vào máu thịt và tâm hồn của ông, nên những năm cuối đời, ông Tư gọi bà Tư (vợ ông, vốn là đào hát bộ ngày xưa) hát cho ông đờn. Những khi bà Tư không rảnh thì ông đờn một mình. Ông Tư giã biệt tiếng đờn vào năm 1985, thọ 75 tuổi, tại Vạn Đức Tự, quê nhà.

Ông Tư cũng là cha của liệt sĩ Lê Hồng Xương hy sinh ở Thới Thạnh, (Ô Môn cũ) trong thời chống Mỹ.

NHẬT HỒNG

Chia sẻ bài viết