17/11/2017 - 09:37

Đằng sau khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe 

Trong khi số phận Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe vẫn chưa rõ ràng, giới quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi có thể sẽ kết thúc với việc chấm dứt quyền lực gần 40 năm của ông Mugabe.

Theo các nhà phân tích, chính tham vọng chính trị của bà Grace đã góp phần vào “cú ngã ngựa” của chồng. Hồi tuần rồi, lãnh đạo Zimbabwe đã có quyết định bất ngờ khi sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sau khi bà Grace cáo buộc những người ủng hộ ông Mnangagwa lên kế hoạch đảo chính. Trước đó, ông Mnangagwa là ứng viên tiềm năng kế nhiệm ghế tổng thống và việc ông bị sa thải đã mở đường cho đệ nhất phu nhân 52 tuổi dẫn đầu cuộc đua, cho đến khi quân đội can thiệp và kiểm soát đất nước.

“Gucci Grace”

Được biết, bà Grace là thư ký trong văn phòng tổng thống khi 2 người bắt đầu có cảm tình với nhau. Thời điểm này, cả ông Mugabe và bà Grace đều đã lập gia đình. Năm 1992, người vợ đầu tiên của tổng thống là bà Sally qua đời vì ung thư. Bốn năm sau đó, ông kết hôn với thư ký nhỏ hơn 41 tuổi khi bà Grace chia tay chồng cũ.

Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe và cựu Phó Tổng thống Mnangagwa. Ảnh: Reuters 

Tuy nhiên, Đệ nhất phu nhân không được lòng phe bảo thủ ở Zimbabwe vì những khoản chi tiêu xa hoa cho biệt thự, xe hơi và đồ trang sức. Hiện tại, gia đình Mugabe được cho sở hữu tài sản trị giá lên đến hàng tỉ USD trên khắp thế giới bao gồm ở Malaysia, Hồng Công cùng các vùng đất nông nghiệp sinh lợi ở Zimbabwe. Thói quen xa hoa của bà Grace bắt đầu ngay sau khi kết hôn với “đám cưới thế kỷ” và việc bà từ chối nơi ở được cung cấp để thay bằng khu biệt thự mới, một trong số đó có chi phí xây dựng lên tới 26 triệu USD. Được đặt biệt danh “Gucci Grace” theo thương hiệu nổi tiếng của Ý, phu nhân Tổng thống Mugabe còn được biết đến với thú mua sắm xa xỉ. Có lần, bà tiêu hơn 100.000 USD khi mua sắm ở Paris (Pháp). Hồi tháng rồi, bà Grace đã ra tòa để kiện một đại lý kim cương vì không giao viên kim cương 100 carat mà bà đã trả tiền trước.

Lối sống xa hoa của bà Grace cũng vấp phải chỉ trích của công chúng khi nền kinh tế quốc gia rơi vào tình trạng hỗn loạn do quản lý sai lầm, tham nhũng và hậu quả từ chương trình cải cách đất đai gây tranh cãi. Kể từ năm 2009, Zimbabwe đã trải qua giai đoạn siêu lạm phát với mức lạm phát lên tới 500 tỉ phần trăm, khiến đồng nội tệ trở nên vô giá trị. Ước tính, có hơn 60% trong tổng số 13,8 triệu người Zimbabwe sống trong cảnh đói nghèo.

Thế nhưng bà Grace lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới trẻ. Không giống các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền Zanu-PF, phu nhân tổng thống được xem là hình mẫu đại diện cho sự thay đổi thế hệ khi không nằm trong dàn lãnh đạo tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang hồi những năm 1970.

Từ sự ủng hộ này, bà Grace thể hiện rõ tham vọng quyền lực vào năm 2014 khi tiến hành cuộc vận động chính trị đầu tiên sau vài tháng được đề cử làm lãnh đạo Liên đoàn Phụ nữ. Vị trí này giúp bà có một vị thế quan trọng trong Zanu-PF. Cũng trong năm này, bà Grace thúc giục chồng sa thải Phó Tổng thống Joice Mujuru, người kế nhiệm tiềm năng của ông Mugabe với cáo buộc bà Mujuru âm mưu ám sát mình.

Năm 2016, bà Grace lập nhóm “G40” trong Zanu-PF nhằm cạnh tranh với phe chính trị Lascoste của cựu Phó Tổng thống Mnangagwa.

Suy đoán về người lãnh đạo mới

Sau thông tin quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước và Tổng thống Mugabe cùng gia đình đang bị “quản thúc tại gia”, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa trên Twitter hôm 15-11 cho biết: “Tôi đã trở lại quê nhà và sẽ bận rộn trong những ngày tới. Cám ơn các bạn vì sự ủng hộ và đoàn kết”. Dòng chia sẻ này dấy lên đồn đoán về khả năng ông Mnangagwa sẽ tạm thời lãnh đạo Zimbabwe.

Theo chuyên gia phân tích Derek Matyszak, có thể quân đội sẽ đàm phán với Tổng thống Mugabe để ông này tái bổ nhiệm ông Mnangagwa rồi sau đó từ chức, mở đường cho chính trị gia 75 tuổi này tiếp quản ghế lãnh đạo theo Hiến pháp trong thời gian chờ đợi bầu cử vào năm tới.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết