04/10/2008 - 21:58

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh:

Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhân dân đồng lòng thì nhất định giành thắng lợi

 

LTS: Sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã kết thúc tốt đẹp. Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư. Tựa đề do Tòa soạn đặt.

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,

Thưa các đồng chí dự Hội nghị,

Sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã tập trung trí tuệ thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 và đã nhất trí thông qua kết luận của Hội nghị về vấn đề này. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp thu ý kiến của Trung ương, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.

Thưa các đồng chí,

Với sự quan tâm và thường xuyên coi nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, trong năm nay Đảng ta đã có 3 kết luận về kinh tế - xã hội : Kết luận số 22 của Bộ Chính trị sau khi xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội nổi lên trong quý I-2008, Kết luận số 25 của Bộ Chính trị trên cơ sở ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 sau khi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008 và lần này là Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương sau khi xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 2008. Những kết luận đó là tư tưởng chỉ đạo để giải quyết kịp thời, đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra.

Nhìn lại năm 2008, trước những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và những khó khăn, yếu kém nội tại của kinh tế trong nước, tình hình kinh tế nước ta ngay từ đầu năm đã có những diễn biến bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất và đời sống nhân dân, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời xác định nhiệm vụ trọng tâm là : Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý, bền vững; trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Chúng ta đã kịp thời điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng cho phù hợp với tình hình thực tế và tập trung mọi nỗ lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đó.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, đến nay tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng; nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao; an sinh xã hội được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, bảo vệ môi trường được chú trọng và tiếp tục phát triển; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có những chuyển biến; hoạt động đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

Những kết quả đó đạt được trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới, trong lúc kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, càng cho chúng ta thêm kinh nghiệm.

Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Lạm phát cao, nhập siêu lớn, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm, chất lượng, hiệu quả còn thấp, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; đời sống nhân dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; việc xử lý một số vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực xã hội còn nhiều hạn chế; cải cách hành chính chậm, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt được kết quả mong đợi; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đây là những vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Thưa các đồng chí,

Trước những khó khăn, thách thức về kinh tế và đời sống trong một bộ phận nhân dân đã xuất hiện những lo lắng, băn khoăn, thậm chí đây đó có cả tư tưởng bi quan, dao động ở những mức độ nhất định. Thực tiễn thành công bước đầu mà chúng ta đạt được đã góp phần củng cố lòng tin và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về đường lối phát triển đất nước.

Thực tiễn đó càng làm sâu sắc thêm bài học : Trước mọi khó khăn, thử thách, nếu có đường lối đúng, có ý chí tự lực tự cường, biết phát huy mọi nguồn lực, mọi sáng kiến của nhân dân, có giải pháp kiên quyết, đúng đắn và kịp thời, trên dưới đồng lòng hợp sức thì nhất định sẽ vượt qua được mọi khó khăn để giành thắng lợi. Chúng ta càng thấm thía bài học về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, biết phát huy nội lực, xem nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, phát huy lợi thế so sánh, tạo môi trường cạnh tranh để phát triển, song để phát triển bền vững, bảo đảm sự ổn định, tăng khả năng độc lập tự chủ của đất nước, nhất thiết phải không ngừng tăng cường tiềm lực và bảo đảm an ninh kinh tế đi đôi với an ninh chính trị; giữ vững các cân đối vĩ mô, đặc biệt là bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, tăng dự trữ ngoại tệ và kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài. Bài học về phát triển kinh tế thị trường đồng thời với chăm lo ngày càng tốt hơn phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, văn hóa, chăm lo sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt yêu cầu gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong chỉ đạo, điều hành, phải kiên định mục tiêu, giữ vững nguyên tắc, tăng cường năng lực dự báo, bám sát thực tiễn, đề ra được các giải pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, không rập khuôn máy móc, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, kết hợp chặt chẽ với công tác chính trị tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đây là những bài học rất quan trọng đòi hỏi phải được vận dụng sát thực vào điều kiện thực tiễn của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong điều kiện mới. Kiên trì các bài học đó, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhất định chúng ta sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Thưa các đồng chí,

Từ nay đến cuối năm và trong năm tới, nền kinh tế nước ta vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trên thế giới, tình trạng trì trệ trong phát triển và lạm phát cao trên phạm vi toàn cầu, cùng những biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường và những xung đột khu vực, cạnh tranh ảnh hưởng và tranh giành lợi ích của các khối, các nước lớn đang có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước ta. Ở trong nước, lạm phát vẫn còn ở mức cao, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp v.v... Song chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản : chính trị - xã hội ổn định, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, niềm tin vào triển vọng phát triển đất nước được giữ vững, tiềm năng tăng trưởng của đất nước còn nhiều và nhất là chúng ta đã thu được những kết quả và kinh nghiệm bước đầu có ý nghĩa quan trọng trong năm 2008... Đây chính là cơ sở và là điều kiện rất quan trọng để có thể huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta trong năm 2009 và những năm sau.

Mục tiêu tổng quát đặt ra cho năm 2009 là: Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định dần kinh tế vĩ mô, chăm lo tốt hơn an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 do Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, chúng ta phải tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tiền tệ, tín dụng và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; tăng đầu tư ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm; tăng cường công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, phải coi trọng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự nhất trí, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và mọi cấp, mọi ngành, quyết tâm tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra.

Thưa các đồng chí,

Chúng ta đã đi được nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Nhiều chỉ tiêu do Đại hội đề ra đã vượt hoặc cơ bản hoàn thành, song vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng có liên quan mật thiết đến bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đòi hỏi phải được tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn diện các mục tiêu kế hoạch. Nhiệm vụ đặt ra trước mắt chúng ta rất nặng nề, phức tạp, đòi hỏi Đảng ta phải nâng cao hơn nữa trí tuệ, tính tiên phong, gương mẫu, tính chiến đấu để lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đã đề ra. Phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thường xuyên sâu sát, nắm bắt thực tiễn cuộc sống, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh một cách đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển, khắc phục tệ quan liêu, thiếu sâu sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền nhà nước các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ chí công, vô tư, một lòng vì nước, vì dân, được dân tin, dân quý. Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhân dân đồng lòng thì nhất định sẽ giành thắng lợi.

Thưa các đồng chí,

Với việc xử lý có kết quả bước đầu nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, một lần nữa đất nước ta lại trải qua một thử thách mới. Qua mỗi lần thử thách, cả dân tộc lại bừng lên sức sống mới, quyết tâm mới, tỏ rõ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chúng ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ do Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X).

Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ của mình.

Xin cảm ơn.

Chia sẻ bài viết