10/07/2018 - 16:49

 Nhà báo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã

Đam mê  “Theo cánh hạc bay” 

“Theo cánh hạc bay” của nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã, là tập sách ảnh về loài sếu đầu đỏ ở tỉnh Kiên Giang, vừa được NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản.

Chân dung nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã.

Là thế hệ trưởng thành trong chiến tranh (sinh năm 1947), nhà báo Trương Thanh Nhã từng là phóng viên chiến trường, đã in dấu chân trên khắp các vùng đất Tây Nam của Tổ quốc, truyền gửi tin tức từ tiền tuyến đến chiến sĩ và nhân dân cả nước qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm báo tại Kiên Giang, sau đó giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Kiên Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang.

Về hưu từ năm 2005, ông dành trọn thời gian cho nhiếp ảnh, với niềm đam mê đặc biệt thể loại ảnh phong cảnh, đời sống tự nhiên. “Theo cánh hạc bay” là cuốn sách ảnh chuyên đề về sếu đầu đỏ ở Kiên Giang, khổ 24,5 x 32cm, 150 trang, với hơn 100 hình ảnh về sếu đầu đỏ, được tác giả chụp trong 14 năm (từ 2000 đến  2014) tại huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành. Sách không chỉ có những bức ảnh tuyệt mỹ về sinh hoạt của sếu đầu đỏ (còn gọi là chim hạc) khi đậu, múa, bay trước ánh bình minh và hoàng hôn; mà còn có thông tin chi tiết về đặc điểm, đặc tính của loài đang có nguy cơ tuyệt chủng này. Ngoài ra, còn có những bài viết, ý kiến của các nhà báo, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về hiện trạng sếu đầu đỏ ở Việt Nam và ở tỉnh Kiên Giang.

Nhan đề “Theo cánh hạc bay” được tác giả lấy ý tưởng từ sự tương đồng nguồn gốc của sếu đầu đỏ và loài chim hạc, để giới thiệu sự hiện diện của sếu đầu đỏ ở Kiên Giang. Chặng đường 14 năm theo đuổi chụp ảnh sếu đầu đỏ, nhà báo Trương Thanh Nhã không chỉ am hiểu về loài này như chuyên gia, mà còn miệt mài “theo đuổi” sếu đầu đỏ tại các đồng cỏ năn ở Hòn Chông, Rạch Đùng, núi Sơn Trà, núi Bà Tài, núi Mo So, núi Mây, Lung Kha Na, Lung Lớn, kinh Thời Gian… Sau này, sếu đầu đỏ di chuyển nơi trú ngụ về Tà Phọt, Đồng Hòa, đồng cỏ bàng thuộc xã Phú Mỹ, huyện vùng biên Giang Thành. Tác giả cũng “theo cánh hạc” mà chuyển địa bàn săn ảnh. Chuyện phải lội kênh, vượt đồng, ẩn nấp đợi sếu đầu đỏ hàng giờ trong bụi rậm, nhiều lúc mưa gió khiến thiết bị chụp bị ẩm ướt hư hỏng... là thường xuyên.

Từ hàng  nghìn bức ảnh về sếu đầu đỏ, nhà báo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thanh Nhã chọn lọc hơn 100 hình ảnh chất lượng và được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt thành của bạn bè, đồng nghiệp, tập sách ảnh ra đời sau gần 4 tháng thực hiện. Anh chia sẻ: “Cảnh sinh hoạt của sếu đầu đỏ rất thú vị. Chúng nhảy múa, đùa giỡn với vẻ đẹp quý phái. Tiếng hót lảnh lót mà sâu lắng trong ánh bình minh hay hoàng hôn”.

Theo quan sát của người dân các địa phương Kiên Lương và Giang Thành, từ năm 2014 đến nay, hầu như sếu đầu đỏ chỉ về hơn chục con vài ngày rồi đi. Tập sách ảnh “Theo cánh hạc bay” vì vậy cũng khiến những người thực hiện và độc giả bồi hồi, luyến tiếc khi nhìn thấy hình ảnh đàn sếu bay lượn trước đây. Thông điệp tác giả gửi qua tập sách ảnh là cộng đồng cần nâng cao nhận thức, hành động để bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực và chất lượng quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, đảm bảo tốt điều kiện sống của các loài động vật hoang dã, quý hiếm.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết