24/04/2009 - 08:35

Đảm bảo quyền con người luôn là ưu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam

Quan tâm và thúc đẩy các quyền con người cho mọi người dân Việt Nam luôn là ưu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là nền tảng được phản ánh nhất quán và xuyên suốt trong mọi chính sách, luật pháp của Nhà nước Việt Nam.

Việt Nam là một đất nước gồm 54 dân tộc, có nhiều tôn giáo, trong đó có những tôn giáo lớn của thế giới như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo. Nhân dân Việt Nam có truyền thống đề cao các giá trị nhân văn, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có xung đột sắc tộc hoặc chiến tranh tôn giáo xảy ra. Nhân dân Việt Nam cũng luôn mong muốn hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị với các nước khác. Trong lịch sử cận và hiện đại, Việt Nam đã từng là một nước thuộc địa trong suốt gần 100 năm khi mà người dân không có được các quyền tự do cơ bản nhất, sau đó lại phải trải qua hàng thập kỷ chiến tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Do đó, nhân dân Việt Nam hết sức khao khát được hưởng các quyền cơ bản của con người như đã được ghi rõ trong Tuyên ngôn thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế về quyền con người.

Ngay sau khi giành lại độc lập năm 1945, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp năm 1946 nguyên tắc “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo và đảm bảo các quyền tự do dân chủ của nhân dân”. Từ đó đến nay, truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau cùng với động lực mới có được từ sự thụ hưởng các quyền tự do cơ bản là những nhân tố quan trọng giúp nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đang diễn ra, Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa và mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển và đây cũng chính là nhân tố quan trọng để phát huy sự tham gia của toàn dân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đem đến những thành tựu quan trọng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Các quyền dân sự và chính trị được ghi rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ tính riêng từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó các quyền về dân sự, chính trị được quy định một cách cụ thể và toàn diện hơn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Nhà nước, đặc biệt là cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan Chính phủ, giữa các cơ quan lập pháp với các cơ quan hành pháp cũng được tăng cường. Quốc hội khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Sự tham gia tích cực và chủ động của các lực lượng phản biện xã hội như báo chí, truyền thông, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của chính người dân cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng như ý thức của người dân về các quyền mà họ được hưởng.

Quy chế Dân chủ ở cơ sở do Nhà nước ban hành năm 1998 đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước. Quyền lập hội của người dân được bảo vệ bằng pháp luật và được thể hiện trên thực tế. Ở Việt Nam hiện có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh, thành phố (so với 115 vào năm 1990); 18 tổ chức công đoàn ngành, 6.020 tổ chức ở cấp địa phương, và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội.

Quyền tự do tín ngưỡng của người dân được tôn trọng và bảo vệ. Việt Nam có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% người dân có đời sống tín ngưỡng. Hầu hết các tôn giáo lớn của thế giới đều có mặt và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo, truyền hình phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam, 01 hãng thông tấn, 80 báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất bản. Việt Nam có khoảng 20 triệu người truy cập Internet, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%).

Có thể nói, trong một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các vấn đề kinh tế - xã hội luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Từ những ngày đầu tiên của Nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra khẩu hiệu “diệt giặc đói, giặc dốt” bên cạnh việc chống giặc ngoại xâm. Công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định (trên 7%/năm), tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung đầu tư nhiều hơn cho các mục tiêu ưu tiên như giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo cho người dân được thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Việt Nam được LHQ và các đối tác phát triển đánh giá là đã đạt hoặc vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và có thể đạt được tất cả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ theo đúng thời hạn. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện. Hệ thống luật pháp cũng từng bước được bổ sung và hoàn thiện phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển hài hòa các mặt xã hội, bảo đảm cải thiện mọi mặt đời sống của người dân, được đánh giá là đã tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế và tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Truyền thống của Việt Nam luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em, người tàn tật... Điều này đã tạo nên những nét đặc thù trong chính sách của Việt Nam cũng như thu hút sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội trong việc chăm lo và bảo vệ cho họ. Bên cạnh các chính sách cụ thể, Chính phủ cũng đã thành lập ở tất cả các cấp trong toàn quốc hệ thống các cơ quan, tổ chức tham mưu và thực hiện chính sách không chỉ nhằm đảm bảo việc thụ hưởng các quyền mà còn chú trọng đến sự phát triển về mọi mặt của cả nhóm người này trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử.

Việt Nam đặc biệt coi trọng hợp tác quốc tế trên các vấn đề quyền con người. Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế chủ chốt, cố gắng hoàn thành các nghĩa vụ thành viên, trong đó có việc nộp báo cáo định kỳ cho các Ủy ban Công ước. Việt Nam tích cực tham gia thúc đẩy việc đảm bảo quyền con người tại các diễn đàn của LHQ như Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Nhân quyền, đồng thời có đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng cơ chế nhân quyền khu vực ASEAN. Việt Nam cũng luôn thể hiện thiện chí hợp tác với cơ chế, thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam đã mời các báo cáo viên đặc biệt về giam giữ độc đoán và về tự do tôn giáo vào thăm, đồng thời đang xúc tiến mời một số báo cáo viên đặc biệt về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa vào thăm trong thời gian tới. Hiện Việt Nam cũng đang tiến hành đối thoại nhân quyền định kỳ với một số quốc gia.

Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, có lãnh thổ trải dài hơn 2.000 km với địa hình và thổ nhưỡng phức tạp, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo cho người dân được hưởng thụ đầy đủ các quyền, đặc biệt là quyền được đối xử bình đẳng. Hơn nữa, Việt Nam từng trải qua hơn 30 năm chiến tranh mà nhiều tác động vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Đơn cử là hiện Việt Nam có trên 5 triệu người tàn tật, trong 25% là do di chứng chiến tranh (thương binh, nạn nhân chất độc da cam, nạn nhân bom, mìn...). Mặc dù đạt nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Việt Nam vẫn là một nước nghèo, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tỷ lệ người nghèo còn cao. Đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Cải cách hành chính và cải cách tư pháp chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Dân chủ còn bị vi phạm, kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Bên cạnh những khó khăn nội tại, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hoạt động thù địch như khủng bố, các âm mưu phá hoại, gây bất ổn, xâm phạm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ...

Có thể nói, bảo vệ và tôn trọng các quyền con người là một quá trình liên tục và lâu dài. Với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và một hệ thống an sinh xã hội đang được tăng cường, Việt Nam đang từng bước đảm bảo sự phát triển đầy đủ và hài hòa của mọi người dân. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định quyết tâm tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tăng cường dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên xóa đói, giảm nghèo; tạo việc làm; cải cách hệ thống tư pháp và hành chính; chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất của người dân; nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo bình đẳng giới; phát triển hệ thống an sinh xã hội. Đây chính là nền tảng cho việc đề ra và thực thi chính sách bảo đảm quyền con người của Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chia sẻ bài viết