25/06/2018 - 21:26

Thượng tôn pháp luật trong sản xuất kinh doanh

Đảm bảo mục tiêu kinh doanh, hài hòa lợi ích  

Theo các chuyên gia đầu ngành, tìm hiểu và thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật là vấn đề không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay. Thượng tôn pháp luật không chỉ giúp DN duy trì, thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mà còn thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan hoạt động sản xuất của Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, phường Phú Thứ, quận Cái Răng.

Còn cồng kềnh,  chồng chéo

 Tại buổi Tọa đàm Vinh danh DN, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” do Báo Pháp luật Việt Nam và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến  cho rằng, DN trong nước ngày càng quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững gắn với thượng tôn pháp luật. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Để khẳng định vai trò của DN trong nền kinh tế, bên cạnh sự nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì ý thức thượng tôn pháp luật trong hoạt động DN có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này được thể hiện thông qua các nguyên tắc kinh doanh, tính cam kết, tính chuyên nghiệp và việc tuân thủ pháp luật của DN. Từ đó tạo nên nét văn hóa, sự khác biệt, thương hiệu tốt không chỉ của DN mà còn là tài sản của địa phương, quốc gia”.

Như vậy, việc tuân thủ pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN đã được khẳng định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên hàm Vụ  phó, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, hệ thống pháp luật của nước ta vẫn cồng kềnh và phức tạp. Đây là rào cản lớn nhất bởi nhiều ngành, nhiều cấp ban hành chồng chéo cùng 1 vấn đề. Nội dung các văn bản pháp luật còn chung chung mang tính chất tuyên ngôn, định hướng, khuyến khích, chưa đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng và thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, làm gia tăng chi phí của DN, dẫn đến sự nản lòng của DN trong thực thi pháp luật, giảm tính hiệu lực tuân thủ pháp luật, thúc đẩy những hành vi tiêu cực như quan hệ lợi ích nhóm… Hệ thống pháp luật như vậy đặt DN trước rất nhiều rủi ro, vướng mắc về pháp lý khi phải tuân thủ trong quá trình hoạt động kinh doanh. Thực trạng này đòi hỏi DN phải có những phân tích, đánh giá rõ ràng, cụ thể tác động/ảnh hưởng của những “lỗ hổng” pháp lý tới các quyết định, chiến lược kinh doanh nhằm phòng, tránh những rủi ro pháp lý có thể gặp phải.

Theo Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Việt Nam có cả “rừng luật” nhưng lại khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Hiện nay hệ thống các điều kiện kinh doanh, “giấy phép con”, thủ tục hành chính liên quan đến DN vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Mặc dù các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay đã giảm từ 267 xuống còn 243 nhưng số lượng các điều kiện kinh doanh vẫn ở mức hàng ngàn điều kiện (khoảng 5.719 điều kiện). “Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tùy ngành, tùy lĩnh vực có sự hợp lý và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước nhưng trong nhiều trường hợp cũng là rào cản gia nhập thị trường, thực thi quyền tự do kinh doanh và cản trở sự phát triển bền vững của DN. Xếp hạng về sự thuận lợi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam do World Bank đánh giá, Việt Nam đang xếp hạng 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng riêng về sự thuận lợi trong việc thành lập DN, khởi sự kinh doanh, Việt Nam xếp hạng 123/190 quốc gia và vùng lãnh thổ”- Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh thông tin.

Nền tảng phát triển bền vững

Thực tế cho thấy, DN muốn phát triển lớn mạnh, bền vững cần nhiều yếu tố như: vốn, trình độ quản lý, nguồn nhân lực, tiếp thị, trách nhiệm xã hội… Và trong suốt quá trình ấy, DN không thể không hiểu biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan. Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên hàm Vụ  phó, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, nhận định: “Có hai yếu tố để góp phần nâng cao tính thượng tôn pháp luật trong các hoạt động kinh doanh và đầu tư của DN. Về phía Nhà nước, pháp luật và thực thi pháp luật phải thực sự dân chủ, công bằng, bình đẳng; hệ thống các quy định pháp luật phải minh bạch, đồng bộ, nhất quán, phù hợp thông lệ quốc tế và dễ tiếp cận với chi phí thấp cần phải được coi như mục tiêu hướng đến. Nhiệm vụ này càng được thực hiện tốt, Nhà nước càng giúp DN giảm chi phí kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Về phía DN, doanh nhân cần nhìn nhận đúng đắn về pháp luật, không chỉ coi pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, mà DN có trách nhiệm phải tuân thủ, chấp hành, thực sự coi pháp luật là công cụ để DN tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình”. 

“Để phát triển bền vững, các DN phải xây dựng các nguyên tắc cơ bản hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi nền tảng, là sức sống của DN. Những nguyên tắc hay giá trị cốt lõi đó là: tuyệt đối tuân thủ pháp luật, sáng tạo, chuyên nghiệp, trách nhiệm môi trường. DN thiếu thượng tôn pháp luật chính là đánh mất niềm tin của đối tác, khách hàng. Việc tuyệt đối tuân thủ pháp luật cũng chính là hướng đi đúng đắn để DN xây dựng uy tín đối với khách hàng, đối tác và đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài, bền vững” - ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Hiện nay nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sức ép cạnh tranh ngay trên “sân nhà” tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện và chuẩn hóa khung khổ pháp lý trong nước theo các thông lệ phổ biến quốc tế. Như vậy, các DN ngày nay phải xây dựng được động lực và khả năng nội tại để thích ứng với môi trường kinh doanh biến đổi và có tính quốc tế, trong đó có năng lực am hiểu và khả năng tuân thủ luật pháp quốc tế.  “DN phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật đối với hoạt động của chính DN. Biết luật, hiểu luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật mới có thể ổn định để yên tâm kinh doanh, phát triển bền vững. Mỗi DN, tùy điều kiện của mình có thể xây dựng đội ngũ cố vấn pháp chế - tuân thủ hoặc sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động, kinh doanh và thậm chí có thể vận dụng pháp luật thành lợi thế cạnh tranh”- Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Có thể thấy rằng, việc am hiểu và thực hiện nghiêm túc pháp luật là đòi hỏi không thể thiếu trong kinh doanh để giảm thiểu rủi ro, chi phí trong dài hạn, nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội của DN. Đồng thời giúp DN có nền tảng phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết