02/08/2018 - 21:11

Đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm 

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành, trực thuộc (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản…) đã kịp thời phát hiện, xử lý và chấn chỉnh nhiều hành vi vi phạm, góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Cần nâng cao nhận  thức và hành động của hộ dân kinh doanh sản phẩm nông lâm sản và thủy sản  trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong ảnh: Mua bán các loại thủy-hải sản tại Chợ Nhà lồng 3, Trung tâm thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ.

Xử phạt hành vi vi phạm

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra chuyên ngành nông nghiệp đã thành lập 13 đoàn thanh tra, trong đó có 7 đoàn theo kế hoạch và 6 đoàn thanh tra đột xuất, tăng 7 đoàn so cùng kỳ. Tổng số cơ sở được thanh tra là 551 cơ sở (gồm 51 tổ chức, 500 cá nhân), tăng 224 cơ sở so cùng kỳ, tương đương mức tăng 40,65%.

Các đoàn thanh tra đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng hóa với tổng số 324 mẫu, trong đó nhóm vật tư nông nghiệp bao gồm: 28 mẫu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), 34 mẫu phân bón, 9 mẫu lúa giống; 12 mẫu thức ăn chăn nuôi, 13 mẫu thức ăn thủy sản, 25 mẫu thuốc thú y, 46 mẫu thịt  và 102 mẫu nước tiểu trên heo để kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Nhóm sản phẩm thực phẩm nông lâm sản và thủy sản do ngành nông nghiệp quản lý cũng được lấy 55 mẫu kiểm tra, trong đó 15 mẫu chả lụa, 4 mẫu lạp xưởng, 16 mẫu cà phê và trà, 3 mẫu tàu hủ ky, 1 mẫu tương hột, 8 mẫu nước mắm, 4 mẫu nước mắm chay, 1 mẫu muối ớt sấy, 1 mẫu đường phèn, 1 mẫu nước chấm thực vật. Kết quả, các đoàn kiểm tra đã ban hành 219 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt hơn 1,03 tỉ đồng.

Theo Thanh tra Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các vi phạm chủ yếu phát hiện qua thanh tra gồm: sản xuất thực phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm có 5 trường hợp; sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe đã quá thời hạn  có 8 trường hợp; sử dụng người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ theo quy định có 8 trường hợp… Về chất lượng, kết quả phân tích 55 mẫu, có 9 mẫu không đạt chất lượng, với vi phạm chủ yếu là sản xuất nước mắm, cà phê, lạp xưởng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật (5 mẫu); sản xuất chả lụa, trà không phù hợp quy định về an toàn thực phẩm (3 mẫu)…

 Đối với lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV,  số cơ sở vi phạm chiếm 22,56% so với tổng số cơ sở kiểm tra. Vi phạm chủ yếu về hàng hóa sản xuất, kinh doanh không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng. Hàng hóa kinh doanh quá hạn sử dụng, có chất lượng không đạt so với công bố, nhãn hàng hóa có thông tin không đúng bản chất, công dụng; thiếu thông tin bắt buộc trên nhãn; nhãn thuốc BVTV có nội dung không đúng với giấy chứng nhận đăng ký. Đối với thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 2 nhóm hành vi vi phạm là sản xuất, nhập khẩu hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng và kinh doanh thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi giả, không có giá trị sử dụng, công dụng. Tuy nhiên, có một vấn đề đáng mừng là qua lấy 198 mẫu để kiểm tra chất cấm, không phát hiện sử dụng chất cấm sabutamol.

Đối với lĩnh vực giống cây trồng, số cơ sở vi phạm chiếm 27,27% so với tổng cơ sở kiểm tra, hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất lúa giống không phù hợp quy trình sản xuất từng loại, từng cấp giống và sản xuất kinh doanh không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Tiếp tục kiểm tra, quản lý thị trường

Để đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đề nghị các đơn vị chức năng thuộc sở, cùng các sở, ngành hữu quan  thành phố và địa phương cần quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, gắn với việc tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Mặt khác, phải hỗ trợ người dân xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để thuận lợi trong tiêu thụ và hội nhập quốc tế.

Nhìn chung, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng thành phố và địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm đã giúp nâng cao được nhận thức và hành động của người dân, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm sản và thủy sản vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế. Đó là việc một số công ty sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp phân phối hàng trực tiếp đến hộ dân, không hóa đơn chứng từ gây khó khăn trong truy xuất nguồn gốc hàng gian, hàng giả. Trong khi, các loại vật tư nông nghiệp ngày càng phát triển đa dạng về chủng loại, kể cả hàng trong nước và nhập khẩu nên khó  kiểm soát các vi phạm về chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng, cũng như  kịp thời loại bỏ ra khỏi thị trường những sản phẩm ngoài danh mục cho phép sử dụng. Hiện nhiều cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh sản phẩm nông lâm, thủy sản cũng chưa quan tâm thực hiện tốt các quy định trong chế biến thực phẩm an toàn, công bố tiêu chuẩn sản phẩm và thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Chánh Thanh Tra Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tới đây đơn vị tiếp tục quan tâm phối hợp với các bên liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm…

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết