23/11/2018 - 08:52

Đảm bảo cấp nước sạch trong tình hình biến đổi khí hậu 

Biến đổi khí hậu là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả lĩnh vực của đời sống, đặc biệt trong vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân. Dự án WaterWorX tại ĐBSCL với mục tiêu tăng cường năng lực cho các đơn vị cấp nước địa phương và hỗ trợ những giải pháp đảm bảo cấp nước bền vững trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt. Qua đó, giải quyết cấp nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.


Hiện nay, hầu hết các công ty cấp nước của thành phố đều ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, với sự hỗ trợ từ phía Hà Lan sẽ giúp các công ty nâng cao năng lực chuyên môn trong khai thác tài nguyên nước. Ảnh: T. TRINH

Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Song, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và chất lượng. Năm 2016, ĐBSCL hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm, gây thiệt hại về sản xuất và đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt cho một số khu vực sử dụng nước mặt. Đảm bảo cấp nước sạch cho người dân là vấn đề được các địa phương trong vùng đặc biệt quan tâm.

Dự án WaterWorX do Hiệp hội các Công ty Nước Vitens Evides International (VEI) và Bộ Ngoại giao Hà Lan hỗ trợ 5 đơn vị cấp nước tại Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang với tổng vốn 2,5 triệu euro. Trong đó, 90% vốn từ phía Hà Lan là viện trợ không hoàn lại; phần còn lại là vốn đối ứng từ công ty cấp nước và Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ. Dự án WaterWorX gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1, tăng cường năng lực vận hành cho các công ty cấp nước địa phương thông qua giảm lượng nước thô đầu vào, giảm thất thoát nước, tiết kiệm năng lượng, cải thiện khả năng quản lý tài sản và tình hình tài chính cũng như doanh thu. Hợp phần 2, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư cho hạ tầng cấp nước thông qua việc xây dựng các đề xuất đầu tư và tiếp cận với các tổ chức tài chính và ngân hàng trong nước và quốc tế. Đồng thời, phối hợp với các công ty cấp nước xây dựng kế hoạch cho tương lai ứng phó với biến đổi khí hậu. Hợp phần 3, cải thiện môi trường pháp lý (chính sách, luật và các quy định, tính minh bạch), tài chính, thể chế và các điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ cho các công ty cấp nước phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Folkert de Jager, Giám đốc VEI, cho biết: VEI đã hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới hỗ trợ năng lực quản lý cho các công ty cấp nước. VEI làm việc với Việt Nam từ năm 2008 và xác định rằng nước là ngành quan trọng tại Việt Nam. Đặc biệt, tại khu vực ĐBSCL, nguồn nước đã và đang chịu tác động từ nhiều mối đe dọa biến đổi khí hậu, như: xâm nhập mặn, sụt lún đất, mực nước ngầm ngày càng thấp… VEI mong muốn hỗ trợ các công ty cấp nước của vùng tăng cường năng lực đảm bảo cấp nước, ứng phó biến đổi khí hậu. Và việc triển khai dự án nước sẽ liên quan nhiều ngành khác nhau, hy vọng kết hợp nước và ngành khác thúc đẩy sự phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL.

Để chuẩn bị triển khai thực hiện dự án, Bộ Ngoại giao Hà Lan, VEI đã làm việc với các đơn vị liên quan từ năm 2017. Dự kiến dự án sẽ bắt đầu thực hiện vào đầu năm 2019 và kết thúc vào năm 2030. Tại TP Cần Thơ, có 2 đơn vị tham gia dự án, gồm: Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ và Công ty cổ phần Cấp nước Cần Thơ 2. Ông Nguyễn Tùng Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ, chia sẻ: Công ty rất vui mừng khi được tham gia dự án. Qua hỗ trợ từ các chuyên gia Hà Lan, góp phần giúp công ty nâng cao năng lực, kỹ thuật sản xuất, nhất là lĩnh vực nước không doanh thu (cấp nước cho người nghèo). Đồng thời, được hỗ trợ đào tạo nhân lực, tăng khả năng tài chính nhằm phục vụ phát triển hoạt động của công ty. Hiện nay, cấp nước thích ứng với biến đổi khí hậu là điểm yếu của công ty rất cần có giải pháp phù hợp đảm bảo cấp nước sạch cho người dân. Đồng quan điểm, đại diện Công ty Cấp nước Cần Thơ 2 bày tỏ mong muốn hợp tác cùng phía Hà Lan triển khai dự án. Thông qua dự án, công ty học hỏi những kinh nghiệm trong chống thất thoát, mở rộng mạng lưới, bổ sung kiến thức vận hành quản lý trong thời gian tới.

Theo Quy hoạch Cấp nước TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 95% đối với khu vực đô thị Ninh Kiều, Bình Thủy; 90% đối với khu đô thị Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng và 80% đối với các thị trấn ngoại thành. Đến năm 2030 đạt 100% đối với khu vực đô thị Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng và 90% đối với các thị trấn ngoại thành. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước xuống khoảng 18-20% và xuống khoảng 15% vào năm 2030; mở rộng phạm vi cấp nước về phía ngoại thành, cải thiện và nâng cao điều kiện vệ sinh, sức khỏe người dân vùng ven đô thị. Do vậy, triển khai thực hiện dự án WaterWorX tại thành phố nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo thành phố và các sở, ban ngành. Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng: Đây là dự án hữu ích, cải thiện các hoạt động liên quan lĩnh vực cấp nước cho thành phố, nâng cao năng lực cho công ty cấp nước đảm bảo khai thác hiệu quả tài nguyên và năng lượng. Đồng thời, giúp các công ty tiếp cận các giải pháp cấp nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Qua đó, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch và cấp nước an toàn trước các ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.

Trong buổi làm việc với VEI về dự án WaterWorX mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng bày tỏ sự ủng hộ của thành phố với Hà Lan thực hiện dự án WaterWorX tại ĐBSCL nhằm hỗ trợ các đơn vị cấp nước trong lĩnh vực nước sạch. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm triển khai dự án…

T. TRINH

Chia sẻ bài viết