28/01/2015 - 21:17

“GẠO, NƯỚC MẮM, RAU MUỐNG…”

Đặc sắc ẩm thực Việt

Tập tản văn  “Gạo, nước mắm, rau muống” của Hoàng Trọng Dũng (NXB Trẻ - 2014) giúp người đọc thấy được những nét đặc sắc của ẩm thực Việt qua những câu chuyện thú vị.

Hoàng Trọng Dũng (1948-2013) là một kỹ sư ngành đường sắt nhưng lại có niềm đam mê văn chương và đã có nhiều sách thể loại: thơ, tản văn, tùy bút, truyện ngắn được xuất bản. Ông từng đảm trách chuyên mục ẩm thực trên Tuần san Thanh Niên và Báo Đà Nẵng một thời gian dài.

 

Ngay những dòng đầu tiên của tập tản văn này, ông viết “Mẹ tôi không phải có “Nghề” nấu ăn mà là có “Tài” nấu ăn... Mẹ tôi đã đem đến cho tôi những ấn tượng, đã gieo vào tâm tưởng tôi những thắc mắc... Mẹ tôi như thế đã là một thầy giáo giỏi, còn tôi, suốt đời vẫn còn vỡ lòng trước nền ẩm thực Việt Nam”. Người mẹ đã không chỉ cho ông hình hài, cho ông một tâm hồn nghệ sĩ mà còn gieo vào lòng con tình yêu với ẩm thực Việt. Hoàng Trọng Dũng nghiên cứu, học hỏi, am hiểu sâu sắc về ẩm thực, cách chế biến và cách thưởng thức món ăn của người Việt. Tất cả được ông thể hiện phong phú, sinh động trong “Gạo, nước mắm, rau muống…”.

Sách gồm có 2 phần: “Từ bếp ngon ra” và “Món ngon nhớ lâu”. Nếu “Từ bếp ngon ra” là những bài bình luận sâu sắc về ẩm thực thì “Món ngon nhớ lâu” lại là những bài viết ngắn với cách miêu tả tỉ mỉ, cùng cảm nhận tinh tế khiến người đọc phát thèm. Nói về dĩa rau sống thôi, tác giả đã khiến người đọc cảm nhận được hương vị của món ăn và tình cảm của người viết: “Mùi thơm nồng nàn của tía tô, cay ngọt của kinh giới, hăng hắc mùi tàu, quyến rũ của quế, tha thiết của húng láng, tinh nghịch của ngổ, thoắt ẩn thoắt hiện của hành hoa, sực nức của tần ô… cùng lúc gọi mời, khiến ta không thể không cầm đũa tận hưởng hương hoa của đất trời dành cho mình, cảm nhận quê hương thật giản dị, gần gũi” (trang 61). Rồi các loại cơm, các loại bún, các loại bánh, các loại mắm, các loại đặc sản… lần lượt hiện lên trang sách khiến người đọc như lạc vào một mê cung ẩm thực mà càng đọc, càng thích, càng muốn khám phá…

Những món ăn được tác giả viết với nhiều phong cách khác nhau, không trùng lắp hay nhàm chán. Đó có thể là câu chuyện khi trà dư tửu hậu, là kỷ niệm thời thơ ấu, là những khám phá bất ngờ hay chuyện vui với người nước ngoài… Sự sáng tạo là một trong những điều quan trọng làm nên giá trị của món ăn, chứng tỏ tài hoa của người chế biến và điều đó thì không hề thiếu trong tập tản văn này. Người đọc thích thú khi những vị khách phương Tây gật gù khen ngon lúc thưởng thức món “súp gà”, người Trung Quốc tán thưởng khi ăn món “thịt kho Tàu”… Bởi dù đó là những món ăn xuất xứ từ chính đất nước của họ nhưng qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người Việt, nó đã có hương vị mới, ngon và không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, những ca dao, tục ngữ, những bài vè, câu hát dân gian hay những điển tích… được tác giả lồng ghép khéo léo trong các bài viết càng làm nổi bật văn hóa ẩm thực.

Lấy gạo, nước mắm, rau muống làm tiêu đề chính cho sách, tác giả muốn nhấn mạnh giá trị của những món ăn dân dã, quen thuộc này. Cơm, rau, nước chấm là 3 thứ không thể thiếu trong bữa cơm người Việt, đến nỗi câu ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” trở thành nỗi niềm của những ai rời xa quê hương, xứ sở.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết