13/06/2018 - 07:10

Đặc nhiệm bảo vệ thượng đỉnh Mỹ -Triều “lợi hại” cỡ nào? 

Hôm 12-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau tại Singapore. Ngoài đội cận vệ hùng hậu riêng của hai nhà lãnh đạo, đảo quốc Sư tử còn huy động hơn 5.000 cảnh sát với lực lượng nòng cốt là đặc nhiệm Gurkha để đảm bảo an ninh cho sự kiện lịch sử này.

Một nhân viên an ninh Singapore thuộc lực lượng Gurkha. Ảnh: AP
Một nhân viên an ninh Singapore thuộc lực lượng Gurkha. Ảnh: AP

Được tuyển chọn từ những thanh niên Nepal, Gurkha là một phần của lực lượng cảnh sát Singapore từ năm 1949. Singapore cũng là một trong các quốc gia gồm Anh, Ấn Độ và Brunei sở hữu lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ này với những tay súng thiện chiến và quả cảm. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), hiện có khoảng 1.800 chiến binh Gurkha phục vụ trong lực lượng an ninh Singapore và họ thường xuyên được triển khai tại các sự kiện an ninh cấp cao.

Gurkha là ai?

Tên gọi Gurkha bắt nguồn từ một vương quốc độc lập ở vùng hẻo lánh phía Tây Nepal cho đến khi quốc gia Nam Á thống nhất vào năm 1768.  Lòng dũng cảm, sự trung thành và danh dự là trung tâm của văn hóa Gurkha. Những tố chất này được thể hiện qua khẩu hiệu của họ hàng trăm năm nay, đó là: “Thà chết còn hơn sống hèn”.  

Người Anh đã nếm trải sự khốc liệt của các chiến binh Gurkha sau những tổn thất nặng nề khi xâm lược Nepal. “Trong đời mình, tôi chưa bao giờ chứng kiến chiến binh nào chiến đấu kiên cường và dũng cảm như vậy. Họ không hề bỏ chạy và cái chết dường như không khiến họ sợ hãi” – một binh sĩ Anh từng đối đầu với các chiến binh Gurkha viết trong hồi ký. Năm 1815, một hiệp định hòa bình được ký kết cho phép Anh tuyển quân từ Nepal. Khi Ấn Độ độc lập vào năm 1947, Anh, Nepal và Ấn Độ đã đạt thỏa thuận chuyển bốn trung đoàn Gurkha cho quân đội Ấn Độ. Cựu thuộc địa của Anh là Singapore và Malaysia cũng tuyển dụng các chiến binh Gurkha trong lực lượng cảnh sát và quân đội.

Kể từ khi gia nhập quân đội Anh vào thế kỷ 19, chiến binh Gurkha được triển khai trong tất cả cuộc xung đột lớn nhỏ, và đặc biệt là hơn 200.000 tay súng Gurkha đã chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ I và thứ II. Lực lượng Gurkha cũng tham gia cuộc xung đột Falklands năm 1982, chiến tranh vùng Vịnh, cuộc chiến Bosnia, xung đột Kosovo và cuộc chiến tại Afghanistan. Nổi tiếng về kỹ năng chiến đấu và lòng dũng cảm, các chiến binh Gurkha hiện ngoài vũ khí tối tân thì đều mang theo con dao quắm truyền thống, còn được gọi là khukri.

Để trở thành chiến binh Gurkha

Điều kiện tiên quyết chính là họ phải có thể lực hơn người. Mỗi năm, có khoảng  20.000 thanh niên Nepal độ tuổi 18-19 cạnh tranh với nhau để giành 200-300 suất gia nhập Gurkha. Tất cả họ phải trải qua chương trình huấn luyện khắc nghiệt, như phải đeo một chiếc sọt nặng 25kg, chạy gần 5km qua những đoạn đường hiểm trở và hoàn thành thử thách trong thời gian quy định.

Tổ chức từ thiện Gurkha Welfare Trust ước tính, ít nhất 19.000 chiến binh Gurkha đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu dưới lá cờ Anh, trong đó có hơn 6.000 người thiệt mạng trong Thế chiến thứ nhất và 9.000 người trong Thế chiến thứ hai. Đối với sự sự hiện diện của lực lượng này tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, một cựu chiến binh từng có 37 năm phục vụ trong quân đội Anh trước khi trở về Nepal cho biết: “Thật tự hào khi thấy các chiến binh Gurkha đảm nhiệm trọng trách bảo vệ sự kiện trọng đại như vậy. Điều này cho thấy chúng ta đã đạt đến vị trí đáng tin cậy khi chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hai trong số những nhân vật quan trọng nhất thế giới”.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết