18/11/2017 - 18:37

Đa dạng mô hình phát triển kinh tế 

Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thới An Đông, quận Bình Thủy tập trung củng cố, nâng chất và xây dựng nhiều mô hình hoạt động thiết thực. Qua đó, giúp nhiều hội viên tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tập hợp, thu hút chị em vào Hội.    

Nổi bật là mô hình Câu lạc bộ (CLB) Tiểu thương thành lập từ tháng 3-2017, tại khu vực Thới Thuận. Bước đầu, CLB có 10 thành viên là chị em tiểu thương kinh doanh, mua bán tại chợ Ngã Ba. CLB định kỳ sinh hoạt hằng tháng, với nhiều nội dung phong phú. Theo chị Trần Thị Mỹ Em, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới An Đông, không chỉ tuyên truyền, nâng cao kiến thức, CLB giúp chị em giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mua bán, cách thức làm ăn, phương pháp chăm sóc, giáo dục con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc… CLB đang duy trì 1 tổ hùn vốn xoay vòng không lãi, hỗ trợ chị em xoay xở đồng vốn, mở rộng kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Hội LHPN phường Thới An Đông vận động chị em làm khô cá lóc tham gia Tổ hợp tác sản xuất để có những biện pháp hỗ trợ thiết thực hơn. Ảnh: TUỆ ANH

Mới đây, Hội LHPN phường ra mắt Tổ hợp tác May gia công tại khu vực Thới Thạnh, thu hút 7 thành viên tham gia. Với thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng, mô hình không chỉ giúp hội viên phụ nữ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, còn góp phần giải quyết việc làm tại chỗ hơn 20 lao động. Chị Nguyễn Thị Bé Ba, Tổ trưởng tổ hợp tác cũng là chủ cơ sở may gia công, vốn biết nghề may đã lâu nhưng thiếu vốn mở rộng, phát triển ngành nghề. Được Hội LHPN phường giới thiệu vay nguồn vốn Chương trình giải quyết việc làm 50 triệu đồng, chị có điều kiện mua sắm máy móc, nguyên liệu phục vụ kinh doanh nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định. 

Với mục đích tập hợp, thu hút chị em vào các CLB, tổ, nhóm để có điều kiện chăm lo, hỗ trợ tốt hơn, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, Hội LHPN phường vận động một số chị em có tay nghề làm khô cá lóc, ở khu vực Thới Ninh, tham gia Tổ hợp tác sản xuất khô cá lóc. Bước đầu, tổ có 6 thành viên tham gia. Cô Lê Thị Ngọc, thành viên tổ hợp tác, với kinh nghiệm 6 năm bán mặt hàng này, chia sẻ: “Trước đây, tôi chèo ghe mua bán đồ rẫy rất vất vả. Từ ngày mở đường, tôi chuyển sang bán khô cá lóc, kinh tế gia đình từng bước ổn định. Tôi rất vui được chị em vận động tham gia tổ hợp tác và mong muốn được mở mang kiến thức, giúp vốn để mở rộng sản xuất, hướng dẫn cách thức đóng gói, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm…”.        

Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, Hội LHPN phường thường xuyên chỉ đạo các Chi hội phụ nữ khu vực rà soát, nắm danh sách hội viên gặp khó khăn để kịp thời giúp đỡ, nhất là chú trọng phát huy hiệu quả vốn vay. Hội LHPN phường đang quản lý 11 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, với 602 thành viên, tổng nguồn vốn vay trên 14 tỉ đồng; 17 nhóm phụ nữ tiết kiệm gồm 778 thành viên, huy động trên 450 triệu đồng… Song song đó, Hội tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình tiết kiệm, tương trợ thiết thực. Qua đó, giúp nhiều hội viên phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Qua kết quả khảo sát, bình xét năm 2017, toàn phường có 45 hộ thoát nghèo, trong đó, có 17 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.   

Chị Trần Thị Mỹ Em cho biết: “Tùy đặc điểm tình hình, thế mạnh mỗi khu vực, Hội chọn xây dựng, phát triển mô hình phù hợp. Thời gian tới, bên cạnh tập trung củng cố, nâng chất các mô hình hoạt động hiệu quả, Hội LHPN phường tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình, hoạt động mới, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh”.

TUỆ ANH

Chia sẻ bài viết