25/11/2018 - 16:26

Đa dạng hóa dạy và học tiếng Anh 

Tùy tình hình thực tế, một số trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào, giao lưu văn hóa, văn nghệ… vừa tạo sân chơi, vừa giúp học sinh học tốt tiếng Anh.

Dù Lễ hội ẩm thực tại Trường THCS An Thới đã kết thúc, nhưng Ngô Thị Trúc Quỳnh và Nguyễn Ngọc Bảo Trân (đều là học sinh lớp 9A5) vẫn luôn nhớ những kiến thức và kỹ năng học được từ sự kiện này. Trúc Quỳnh cho biết: “Tại lễ hội ẩm thực, tuy phải sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp mua bán và có lúc bị lúng túng, câu từ chưa tròn trịa nhưng em rất vui; vì được trau dồi thêm kỹ năng nghe nói, tự tin hơn khi giao tiếp”. Bảo Trân kể: Ở lễ hội có phần thi hóa trang, em làm MC của chương trình, thuyết trình bằng tiếng Anh. Tại lớp cũng có tổ chức nhưng ở quy mô trường, em rất lo. Nhóm chúng em phải chuẩn bị trước 1-2 tuần để đọc, tìm tài liệu, chọn từ dễ hiểu. Nhờ vậy, vốn từ tiếng Anh của em nhiều hơn. Em rất muốn trường tổ chức hoạt động này thường xuyên hơn để có thể vừa chơi, vừa học ngoại ngữ.

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Tổ trưởng Tổ bộ môn Ngoại ngữ, Trường THCS An Thới, mỗi tháng một lần, tổ thường lồng ghép với phong trào Đội trong tổ chức hoạt động liên quan đến môn học tiếng Anh. Với lễ hội ẩm thực, mỗi lớp, trường chọn khoảng 4-5 học sinh tham gia. Giáo viên, học sinh bắt buộc sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và hoạt động này giúp học sinh hào hứng, học tốt tiếng Anh hơn. Trước khi tổ chức lễ hội, cô trò dành hơn một tuần để chuẩn bị, tìm tài liệu, chọn lọc từ ngữ tiếng Anh. Mỗi chủ đề hoạt động hằng tháng cũng bao hàm ý nghĩa giáo dục học sinh, ví dụ chủ đề “bảo vệ môi trường”, học trò làm đồ hóa trang bằng ni lông, giấy... để trình diễn. Cô Diễm nói thêm: “Để giúp học sinh học tốt ngoại ngữ, giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy trên lớp, lấy học sinh làm trung tâm. Tôi thường tổ chức cho học sinh học nhóm. Tùy năng lực học sinh có thể giao việc sưu tầm hình ảnh thực tế, sau đó thuyết trình trên lớp bằng tiếng Anh. Sắp tới, trường tổ chức tiếng Anh cộng đồng sinh hoạt 1-2 tháng/lần, tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh”.

Trường THCS An Thới hiện có hơn 1.900 học sinh, với 4 loại hình giảng dạy tại trường; trong đó có các lớp: tiếng Anh hệ 10 năm, tiếng Anh hệ 7 năm và tiếng Pháp song ngữ. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, cán bộ giáo viên trường thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Dịp 20-11 vừa qua, trường vinh dự đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để trường nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục. Cô Trần Thị Phương Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường đẩy mạnh kết hợp tiếng Anh cộng đồng với bộ môn ngoại ngữ; đưa tiếng Anh vào thực tế cuộc sống qua các phong trào, nhằm nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ tại trường.


Giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Bình Thủy, do giáo viên nước ngoài phụ trách. Ảnh: B.KIÊN

Bên cạnh Trường THCS An Thới, các trường thuộc quận Bình Thủy đã, đang đẩy mạnh phong trào học tiếng Anh cộng đồng. Đơn cử Trường THCS Thới An Đông, tuy vị trí khá xa trung tâm thành phố, nhưng trường tổ chức cho học sinh tham gia các buổi thuyết trình của câu lạc bộ, thi hùng biện tiếng Anh… Đặc biệt, trường thuê xe chở một số học sinh đến Trường Đại học Cần Thơ nói chuyện với người nước ngoài. Trường Tiểu học Bình Thủy, nhờ thụ hưởng từ dự án Mô hình Trường Điển hình đổi mới, giáo viên được tạo điều kiện đi nước ngoài học; được tập huấn với giáo viên nước ngoài. Trường mời giáo viên thỉnh giảng (người nước ngoài) dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh.

Lãnh đạo ngành giáo dục quận Bình Thủy cho biết: Thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, ngành đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng giáo viên ở nhiều trình độ và phương thức đào tạo phù hợp với năng lực của giáo viên; triển khai việc giảng dạy môn Toán bằng tiếng Anh tại các trường THCS theo lộ trình; triển khai mô hình tiếng Anh cộng đồng (English Community) tại các trường trực thuộc… Ngành cử 12 giáo viên có năng lực tham gia các lớp tập huấn giảng dạy Toán bằng tiếng Anh. Toàn ngành hiện có 71/78 giáo viên dạy tiếng Anh đã có chứng chỉ Ngoại ngữ từ bậc 4 (B2). Bên cạnh nâng chất giảng dạy ngoại ngữ ở trên lớp, ngành tập trung chỉ đạo các trường đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, giúp học sinh nâng cao năng lực ngoại ngữ.    


Vui học ngoại ngữ (tiếng Anh-tiếng Pháp) qua tranh vẽ của học sinh Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng). Ảnh: B.KIÊN

Toàn ngành giáo dục TP Cần Thơ đa dạng hóa các hoạt động lồng ghép dạy và học tiếng Anh, tiếng Pháp vào phong trào đoàn, hội. Đơn cử ở Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng), thông qua hoạt động sáng kiến, sáng chế, học sinh đã tận dụng tấm lịch cũ, giấy coton để làm những bức tranh bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Từ tranh vẽ này, học sinh tham gia trong câu lạc bộ tiếng Anh; hội thi trưng bày sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường. Trường THCS Thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) tổ chức hoạt động vui học ngoại ngữ tại “Công viên - Trải nghiệm sáng tạo” của trường.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Thới Lai, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng các trường nỗ lực tổ chức cho học sinh có điều kiện vui và học tiếng Anh. Năm học 2017-2018, ngành đã tổ chức cuộc thi Tài năng tiếng Anh cấp huyện, có 58/73 học sinh dự thi; tổ chức “Tuần lễ trại hè cho học sinh” với nhiều hoạt động văn nghệ, thi hóa trang, trò chơi dân gian, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống. Học sinh trưng bày sản phẩm, món ăn phải có thuyết trình 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh… Huyện đã triển khai dạy và học ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh) ở các cấp học, bậc học. Theo thầy Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Lai, tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Sắp tới, ngành tiếp tục duy trì, nâng chất dạy và học ngoại ngữ ở các trường. Tùy theo đặc thù ở mỗi trường, sẽ có cách làm phù hợp, qua việc lồng ghép vào hoạt động phong trào đoàn thể, trải nghiệm sáng tạo… nhằm tạo sân chơi cho học sinh vui học tiếng Anh.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết