21/05/2018 - 09:56

Đa dạng hóa công tác tuyên truyền pháp luật 

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Từ đó, góp​ phầ​n hạn chế các vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thanh niên tìm hiểu các quy định về Luật Nghĩa vụ quân sự.

Hội đồng  PBGDPL thành phố đề ra kế hoạch hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua mô hình tủ sách pháp luật, quán cà phê pháp luật- những mô hình hoạt động khá hiệu quả và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, các quận, huyện tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật phù hợp từng nhóm đối tượng. Ông Lâm Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: "Đa số các văn bản quy phạm pháp luật có đối tượng, phạm vi điều chỉnh rộng, do đó nội dung tuyên truyền phải cô đọng, đi sâu vào nhóm đối tượng cụ thể. UBND xã đã phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, vi phạm hành chính và các quy định khác của địa phương qua loa phát thanh di động tại các điểm chợ. Từ đó, giúp các tiểu thương nhận thức sâu sắc hơn, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật".

Theo bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn quận không chỉ tuyên truyền các đạo luật mới mà còn phối hợp với Liên đoàn Lao động quận tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến lực lượng công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thốt Nốt, như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Việc làm... Phòng còn vận động các công ty trong Khu Công nghiệp Thốt Nốt có đông công nhân lao động, xây dựng Tủ sách pháp luật để người lao động dễ dàng tìm hiểu các quy định liên quan. Dự kiến ngày 9-11-2018 (Ngày pháp luật Việt Nam), phòng Tư pháp quận sẽ phối hợp với UBND các phường tổ chức đối thoại với người dân về công tác tư pháp- hộ tịch trên địa bàn nhằm giải đáp thắc mắc của người dân.

Tại quận Ô Môn, Phòng Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền các quy định mới thông qua các tủ sách pháp luật, tờ gấp, các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Ông Đào Sơn, ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, chia sẻ: “Khi đến các quán cà phê pháp luật hoặc các điểm chùa, người dân đều được tiếp xúc với các quy định pháp luật mới. Nội dung tuyên truyền trong các tờ gấp được thể hiện dưới hình thức hỏi - đáp rất dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn chính quyền có giải pháp thiết thực hơn trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền đến các tầng lớp thanh thiếu niên, người dân tộc thông qua các hình thức mới, phong phú hơn”.   

 Một hình thức khác để pháp luật đi sâu vào người dân là thông qua công tác hòa giải. Ông Nguyễn Văn Thảo, công chức tư pháp – hộ tịch UBND phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: “Thông qua mỗi cuộc hòa giải, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền thêm cho người dân các chính sách, nội dung pháp luật mới để người dân dễ dàng nắm bắt và hiểu được các quy định pháp luật". 

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị triển khai các Luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14. Đ​ồng thời, chỉ đạo thực hiện rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp thành phố, cấp huyện và đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua Cổng thông tin điện tử của Sở; củng cố, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả; biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Kế hoạch của UBND thành phố; in ấn và phân phối Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Từ đầu năm đến nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức 2.138 cuộc tuyên truyền các văn bản luật, có 95.713 lượt người dự. Tủ sách pháp luật có 19.343 lượt người mượn, đọc. Câu lạc bộ pháp luật của các xã, phường, thị trấn tổ chức 358 cuộc sinh hoạt, với 9.278 lượt người dự. Tổng số vụ được các địa phương đưa ra hòa giải là 475 vụ, trong đó hòa giải thành 393 vụ, đạt 82,7%.

 P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết