03/12/2017 - 08:43

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhận tội khai man 

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn hôm 1-12 thừa nhận đã nói dối Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về các mối liên hệ với Nga. Cựu tướng Flynn cũng đồng ý hợp tác với công tố viên trong tiến tình điều tra sâu hơn nhằm vào đội ngũ thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thời điểm tỉ phú New York nhậm chức.

Cựu tướng Flynn xuất hiện tại phiên tòa hôm 1-12. Ảnh: AP

Theo BBC, cáo buộc được đưa ra bởi công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và khả năng thông đồng giữa Mát-xcơ-va với các cố vấn trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Là người ủng hộ nhiệt tình và thân cận của ông Trump, cựu Tướng Flynn đồng thời là nhân vật trung tâm trong tiến trình điều tra của FBI. Hồi tháng 2, ông Flynn bị buộc phải từ chức sau 24 ngày được bổ nhiệm vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ trước những cáo buộc không trung thực về mối liên hệ với đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak. Cách đây hơn một tuần, truyền thông Mỹ cho biết nhóm luật sư của ông Flynn đã nói với đội ngũ pháp lý của tổng thống rằng họ không tiếp tục bàn luận về vụ án, theo đó gợi ý ông Flynn đã bắt đầu hợp tác với các công tố viên.

Xuất hiện trong phiên tòa ở Washington hôm 1-12, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thừa nhận đã đưa ra những lời khai “không đúng sự thật, hư cấu và giả mạo” khi FBI thẩm vấn mối liên hệ giữa ông và đại sứ Nga hồi tháng 12 năm ngoái. Thời điểm này chỉ cách vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức. Theo các công tố viên, sự thật là ông Flynn và đại sứ Kislyak đã thảo luận về các biện pháp chế tài kinh tế mà chính quyền Tổng thống Barack Obama áp đặt lên Mát-xcơ-va liên quan cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016. Phía công tố còn cho biết ông Flynn đã hỏi ý kiến “thành viên cao cấp” trong đội ngũ chuyển tiếp của Tổng thống Trump trước và sau khi liên hệ với ông Kislyak để được chỉ dẫn về những gì sẽ giao tiếp với đại sứ Nga. Điều này mâu thuẫn với những khẳng định công khai của tổng thống rằng ông Flynn “hoạt động độc lập và không tuân thủ mệnh lệnh”.

Theo hồ sơ tòa án, ông Flynn tại cuộc gặp đã đề nghị Mát-xcơ-va không leo thang căng thẳng ngoại giao với Washington và kiềm chế việc trả đũa. Tuy không nêu trực tiếp, nhưng truyền thông Mỹ suy đoán “quan chức cao cấp” được đề cập là cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ K.T. McFarland. Ngoài đề nghị nói trên, ông Flynn còn yêu cầu đại sứ Kislyak giúp trì hoãn hoặc phủ quyết vòng bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) bị xem là gây tổn hại cho Israel. Theo lời khai của cựu tướng Mỹ, ông cũng từng được một “thành viên cao cấp” trong đội ngũ chuyển tiếp đề nghị liên lạc với Nga và chính phủ nước khác nhằm gây ảnh hưởng trước cuộc bỏ phiếu của LHQ. Nhân vật “tối quan trọng” trong lời ông Flynn được cho là Jared Kushner - cố vấn đồng thời là con rể của ông Trump.

Tính đến nay, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ là thành viên cao cấp nhất của chính quyền Trump thừa nhận có tội và việc ông Flynn quyết định việc hợp tác với bên công tố đánh dấu bước tiến trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Theo BBC, cuộc điều tra của cố vấn đặc biệt Mueller đang giăng một tấm lưới lớn và khả năng ông Muelle sẽ xem xét lại lời khai của con rể ông Trump. Ông Kushner có thể phải chịu trách nhiệm vì đã khai man nếu lời khai mâu thuẫn với cựu tướng Flynn. Mặt khác, các báo cáo tuy không chỉ chứng chống lại Tổng thống Trump nhưng dấy lên tin đồn mạnh mẽ ở Washington rằng ông chủ Nhà Trắng liệu có liên quan gì đến việc chỉ đạo vai trò của cựu cố vấn Flynn hoặc biết nội dung trong những cuộc đàm thoại đó. Đặc biệt, ABC News hôm 1-12 dẫn một nguồn tin thân cận với ông Flynn cho biết cựu tướng Mỹ sẵn sàng làm chứng việc ông Trump đã chỉ đạo ông liên lạc với Nga trước khi trở thành tổng thống. Trường hợp này, tổng thống không bị kết tội trừ phi bên công tố chứng minh ông Trump chỉ đạo ông Flynn khai man với FBI.

Nhưng dù thế nào, giới phân tích cho biết sẽ không có cách nào để tin tưởng những tuyên bố trước đó của ông chủ Nhà Trắng, rằng các báo cáo về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ là “trò lừa bịp, hư cấu, tin giả và một cuộc săn phù thủy chính trị”. Tình hình này có thể mang lại những rủi ro chính trị khôn lường đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC)

Chia sẻ bài viết