17/05/2013 - 10:06

Cuối tuần ở Mường Hum

Nằm dưới thung lũng sâu, được bao bọc bởi núi cao chót vót, Mường Hum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Vào ngày Chủ nhật, từng đoàn du khách khắp nơi đổ xuống thung lũng này để nhóm chợ phiên. Đến mùa lúa chín, người ta lại đến đây ngắm những thửa ruộng bậc thang, những nấc thang trải dài như nối Mường Hum lên đến chín tầng mây…

Từ những năm Pháp thuộc, người Pháp đến Mường Hum lập đồn bót vì đây là vị trí hiểm trở, nằm gần biên giới phía Bắc. Phố xá Mường Hum hình thành từ đó với hai dãy nhà dọc hai bên đường. Hiện nay ở Mường Hum không chỉ có những ngôi nhà truyền thống mái lợp ngói rêu phong mà còn có cả nhà phố với những “chảo” ăng-ten cho thấy nếp sống hiện đại đã xâm nhập vào đời sống của các dân tộc Mông, Giáy, Hà Nhì, Dao Tuyển… ở vùng này.

Chợ phiên Mường Hum sắc màu sặc sỡ.

Xuất phát từ thành phố Lào Cai, di chuyển khoảng 45 cây số là đến Mường Hum. Cung đường này cực kỳ hiểm trở. Du khách phải đi dọc theo đường vành đai biên giới, vượt qua những ngọn núi, không ít lần xe “leo” lên những mỏm đá rồi mới bắt đầu xuống thung lũng sâu trên con đường ngoằn ngoèo. Có những đoạn, đường vô cùng khó đi bởi đá núi lởm chởm. 45 cây số nhưng phải chen chúc nhau trên những chiếc xe đò chật chội; kẻ đứng, người ngồi, có khi phải đu toòng teng ở cửa xe suốt gần 3 giờ liền mới đến chợ. Nếu đi từ thị trấn Sa Pa, đường đi dễ dàng hơn. Theo đường lên đỉnh Ô Quy Hồ đến ngã ba Bản Xèo thì rẽ phải. Cứ thế di chuyển trên con đường dọc theo triền núi khi lên khi xuống là đến thung lũng Mường Hum. Đường dễ đi do đã được tráng nhựa thoáng đãng. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi nên thỉnh thoảng bị sạt lở gây tắc đường. Thời gian thông đường mất ít nhất một buổi, có khi vài ngày. Vì thế, muốn đi chợ phiên Mường Hum, thường thì khách phải đi trước một ngày để chủ động. Khách có thể lên Y Tý đi chợ phiên thứ Bảy rồi trở lại Mường Hum đi tiếp chợ phiên Chủ nhật.

Đường đi gian nan nhưng bù lại cảnh sắc Mường Hum tuyệt đẹp. Nếu nói Sa Pa là nàng “công chúa” duyên dáng và sang trọng thì Mường Hum lại có nét duyên ngầm như nàng con gái miền sơn cước. Đến ngày họp chợ phiên, dòng người từ các quả núi đổ về chợ. Người ta dắt theo ngựa, mang vác mọi thứ từ nông sản đến heo cúi, gà… Thậm chí, có cả tủ, bàn vừa mới đóng xong cũng được vác đến chợ để trao đổi. Ai nấy cũng trang phục lộng lẫy đầy màu sắc. Những cô gái Mông  rực rỡ trong những chiếc váy hoa được dệt, thêu tay cầu kỳ; thiếu nữ Dao đỏ thì mặc trang phục chàm có hoa văn trên ngực, đầu đội khăn đỏ và mang nhiều trang sức bạc… Một đứa trẻ còn điệu trên lưng cũng được mẹ mặc cho những trang phục truyền thống.

Người vùng cao đi chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để giao lưu. Người gặp lại bạn xưa. Người gặp lại tình cũ. Người trẻ thì đến chợ để tìm một nửa của mình. Hằng ngày họ sống trên núi cao, cật lực với nương rẫy, đâu có thời gian hẹn hò, tìm hiểu. Chợ phiên là nơi để họ gặp gỡ và trao duyên. Sau khi mua bán xong, những hàng quán ăn uống tấp nập người. Họ ăn thắng cố - món chỉ có bán ở chợ phiên và uống rượu ngô. Nam nữ đều có thể uống rượu và uống đến say khướt. Du khách không lạ khi tan chợ có người nằm bên vệ đường ngủ ngon lành vì quá say. Hay một phụ nữ đi bên các con; trên lưng ngựa là người đàn ông nằm vắt vẻo.

Nằm dưới thung lũng sâu, Mường Hum đẹp hơn cả Sa Pa vào mùa lúa chín. Những dãy núi cao bao bọc xung quanh là những bậc thang trồng lúa. Chiều chiều, những bậc thang trên cùng nằm khuất trong mây. Đứng từ Mường Hum, tưởng chừng như đó là những bậc thang nối từ trần gian đến chín tầng trời. Lúc trời xanh trong vắt, những thửa ruộng bậc thang càng thêm chót vót. Nơi đây không phát triển về du lịch nên mọi thứ đều còn giữ nguyên vẻ tự nhiên. Đặc biệt, ngay trung tâm Mường Hum có con suối lớn. Đó là con suối Mường Hum ào ạt chảy ngày đêm được hợp lưu bởi hai dòng suối Nậm Pung Hồ và Trung Lèng Hồ. Từ những năm 1970, ca khúc “Suối Mường Hum còn chảy mãi” mang âm hưởng miền núi cao và dạt dào như dòng nước. Hai thập niên sau đó, “Chiều Mường Hum” là ca khúc được Huy chương vàng hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Mới chỉ nghe thôi đã muốn đến Mường Hum. Đến đây rồi, lòng không thể không dạt dào theo con suối, bay lượn theo cánh bướm vờn hoa bên suối. 

Người dân vẫn sống và sinh hoạt theo nếp riêng truyền thống của từng dân tộc. Khách Tây cực kỳ thích Mường Hum. Sự hiếu khách và thân thiện của các dân tộc bản địa càng tạo sự thích thú cho du khách. Họ nhoẻn miệng cười duyên dáng khi ai đó đưa máy chụp hình lên; hoặc thẹn thùng e lệ vì nhiều người lạ đang nhìn mình. Tuyệt nhiên, không có chuyện vòi tiền chụp hình hay xin tiền lẻ.

Mường Hum là thế - rất bản sắc như những gì đã có. Đó là thứ quý nhất để níu chân du khách. Khi về, người ta vẫn nhớ đến những nụ cười trong trẻo như làn nước suối Mường Hum…

Bài, ảnh: Thanh Nhàn

 

Chia sẻ bài viết