31/07/2018 - 21:30

Cuộc giải cứu hành tím 

30 nhà hàng/quán ăn, 30 siêu thị, cửa hàng phân phối và 190 người tiêu dùng tham gia cuộc khảo sát đánh giá và kết quả phân tích tần số và sử dụng thang đo likert cho thấy 4/7 sản phẩm được đề nghị thương mại hóa là hành tím sấy thăng hoa, nước uống hành tím, hành phi và bột hành tím sấy. Hai nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ đã dành hai năm nghiên cứu cách giải cứu hành tím theo con đường chuyển từ bán hàng thô sang sản xuất kinh doanh hàng tinh chế thay vì kêu gọi mỗi nhà mua vài ký, cán bộ- viên chức phải “tiên phong” mua hành tím.

Vựa hành tím ở thị xã Vĩnh Châu.

Cứ bán hàng thô hay làm hàng tinh chế?

Phó Giáo sư Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Minh Thủy, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu mô hình chế biến các sản phẩm từ hành tím an toàn và đảm bảo khả năng tiêu thụ” và PGS-TS Nguyễn Phú Son trình bày “Đánh giá tính khả thi thị trường của sản phẩm giá trị gia tăng từ hành tím” cho thấy hành tím tươi, hành tím muối chua, Chutney hành tím là 3 sản phẩm chế biến chỉ đạt tỷ lệ chấp nhận dưới 50%, nhãn mác, bao bì sản phẩm chưa được đánh giá cao; giá cả và kênh phân phối chưa thực sự hấp dẫn.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Thủy, thông tin phản hồi là cơ sở cho chuỗi nghiên cứu hoàn thiện những sản phẩm có lợi thế nhưng nhiều người chưa nhìn thấy. Riêng 4 sản phẩm đạt yêu cầu có thể chuyển giao ngay cho chủ đề tài là Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng theo khuôn khổ đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh.

Thương hiệu hành tím Vĩnh Châu đã có từ lâu, nay có thêm công nghệ được chuyển giao từ Trường Đại học Cần Thơ để giải cứu hành tím, không có lý do gì Vĩnh Châu rối rắm khi xách củ hành tím lang thang khắp nơi nữa. Đó là mong muốn của cộng đồng.

Nhưng liệu đường đời có bằng phẳng, nhẹ tênh cho một cuộc tăng tốc, thăng hoa của hành tím khi hàng ngàn hecta trồng hành tím còn quá nhiều việc phải làm?

Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng TX Vĩnh Châu nói về nguồn lực cơ bản của cộng đồng, trong đó Hợp tác xã (HTX) hành tím Vĩnh Châu và HTX Hòa Thành là nơi cung cấp sản lượng hành tím từ 80.000 – 100.000 tấn/năm trên diện tích canh tác hằng năm 6.500ha (trong đó 1.500ha chuyên sản xuất giống). Tại thị xã có 2 cơ sở chế biến hành tím, trong đó, Công ty TNHH Nông sản Long Châu Dương có quy mô 2 máy lột vỏ, công suất 1 tấn/giờ/máy; 4 máy sấy, công suất 5 tấn/ngày/máy. “Hiện công ty này chưa chế biến do chưa có hợp đồng và thị trường tiêu thụ nội địa là chính”, ông Trí nói. Cơ sở thứ hai là hộ gia đình ông Trần Thế Tài, chuyên chế biến hành phi, có quy mô 1 máy sấy, công suất 200 kg/ngày/máy. Thị trường tiêu thụ chính tại thị xã, sản lượng 200kg/tháng, giá bán 60.000 đồng/kg. Hành tím chế biến tại địa phương có thuận lợi về nguồn nguyên liệu lớn, nhân công tại chỗ, nhưng khó khăn là hàng hóa không thể đi xa.

Phần lớn các hộ trồng hành tím thiếu vốn và cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều hộ phải bán gấp để trang trải chi phí sản xuất. Lượng hành tập trung vào thời điểm thu hoạch chính vụ nhưng không xuất khẩu được, chủ yếu tiêu thụ nội địa nên hành tím bị tồn đọng nhiều, giá bán thấp vì không thể tồn trữ lâu ngày. Những lý do quen thuộc và có vẻ như ai cũng có thể nói như nhau về thực trạng làm hàng thô. Ngay cả sản phẩm ở HTX từng được chứng nhận GlobalGAP cũng chỉ bán hàng thô, không có gì khác biệt.

Hàng tinh chế, làm sao hễ nhìn vô người ta liên tưởng tới củ hành tím, cái nắp cũng phải tím, mẫu mã đừng để nhầm lẫn với Lý Sơn, Bình Thuận… phải làm mã vạch để dễ truy xuất nguồn gốc… ý muốn của người làm nguyên liệu chỉ chừng ấy.

Tìm kiếm đối tác “chạy tiếp sức”

PGS- TS Nguyễn Minh Thủy hy vọng sẽ có doanh nghiệp đủ lực xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, duy trì quy trình sau khi tiếp nhận chuyển giao và làm sao có nguồn nguyên liệu sinh học để thực hiện “tất tần tật” ý muốn đó vì suốt hai năm nghiên cứu cách giải cứu hành tím, việc khó khăn nhất của nhóm nghiên cứu là loại bỏ  thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và mất nhiều thời gian tìm kiếm nguồn nguyên liệu an toàn.

“Người tiêu dùng quan tâm tới độ an toàn của sản phẩm, nhưng thực tế nguồn nguyên liệu đầu vào từ Vĩnh Châu đem về kiểm tra thấy dư lượng thuốc BVTV rất cao. Khi đi khảo sát, người dân chưa có trang phục bảo vệ lao động, họ ngồi bẹp, không mang bao tay, mắt cũng không có thiết bị bảo hộ. Dùng phương pháp ozone hóa có thể tách thuốc BVTV, nhưng mất rất nhiều thời gian. Tôi tự hỏi sao không hướng bà con tới canh tác sinh học để có nguồn nguyên liệu đúng yêu cầu? Sao không hướng dẫn cách giảm nguy cơ ảnh hưởng từ thuốc BVTV? Và, ai sẽ làm việc này?” TS Thủy nói tiếp: “Tôi rất tâm đắc với sản phẩm Chutney hành tím, giống mứt, sốt, quy trình chế biến nhanh và có tiềm năng xuất khẩu do các nước có nhu cầu. Có nguyên liệu an toàn thì mai kia doanh nghiệp chế biến đỡ tốn chi phí, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn”.

Chuyển giao quy trình kỹ thuật theo trục liên kết giữa các Viện trường và địa phương nhằm giải cứu củ hành tím cần đối tác tiếp nhận có thực lực, cả về tài chính lẫn tư duy đổi mới, sáng tạo; Cần nguồn cung ứng chuẩn mực để kiểm soát mối nguy, để doanh nghiệp tập trung hoàn thiện sản phẩm, dành nhiều thời gian hơn cho việc chinh phục thị trường. Hơn bao giờ hết, họ cần sự chuyển đổi trong cộng đồng để vật tư đầu vào - đầu ra thành phẩm thực sự an toàn.

Các sản phẩm mới của Nhóm nghiên cứu  là một trong những mặt hàng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chú ý. Mới đây Công ty Tân Huê Viên đã ngỏ ý tiếp nhận chuyển giao quy trình sau khi những sản phẩm này được trưng bày trong hội nghị kêu gọi đầu tư tại tỉnh
Sóc Trăng.

Việc chuyển giao quy trình ứng dụng công nghệ chế biến, theo PGS-TS Nguyễn Minh Thủy không có gì phức tạp vì quy trình chế biến thanh trà, sim rừng, thanh long, khóm… từng được chuyển giao có trách nhiệm, ngay cả khi đối tác không có nhiều kinh phí, các nhà khoa học tự bỏ tiền túi để làm.

Tìm được đối tác chuyển giao cũng chỉ là chặng đầu của “cuộc đua tiếp sức”, chặng kế tiếp thuộc về người trồng và cung cấp nguyên liệu, nhưng nếu người trồng không chạy tiếp mà quay về con đường cũ, lại mắc kẹt trong cách làm hàng thô đầy dư lượng hóa chất thì cứ giải cứu hết lần này tới lần khác, cuối cùng chẳng đi tới đâu. PGS-TS Nguyễn Minh Thủy vẫn băn khoăn chặng kế tiếp trong hành trình giải cứu này, nói: “Lạm dụng hóa chất thì chính mình bị nhiễm trước, còn người dùng thì lánh xa trong khi đó chuyển đổi một chút thôi là có thể tiếp cận nhu cầu chế biến. Hoạt động chế biến chạy đều thì nguyên liệu chừng ấy sẽ không đủ”.

Bài, ảnh: Châu Lan

Chia sẻ bài viết