06/05/2018 - 10:26

Liên hoan phim Cannes 2018

Cuộc đua trước giờ G 

Liên hoan phim (LHP) quốc tế Cannes đã công bố danh sách 18 phim tranh Cành cọ vàng. Danh sách gây không ít tranh cãi khi bỏ qua vài tên tuổi lớn vì vướng quy định, dẫu vậy, sân chơi Cành cọ vàng năm nay vẫn có sự tranh đua quyết liệt khi có sự trở lại của nhiều đạo diễn gạo cội, sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới triển vọng.

Sự trở lại của các nhà làm phim kỳ cựu

Spike Lee, Jean-Luc Godard, Pawel Pawlikowski là ba đạo diễn gạo cội mang đến LHP Cannes sự cạnh tranh thú vị. Nhà làm phim người Pháp - Thụy Sĩ Jean-Luc Godard mang đến LHP tác phẩm đậm sắc màu văn hóa “Le Livre d’Image”, đánh dấu sự trở lại sau 4 năm kể từ “Goodbye to Language” (2014) - tác phẩm từng chiến thắng Giải thưởng Ban Giám khảo Cannes. Lần này, Jean-Luc Godard khá lặng lẽ, thông tin về “Le Livre d’Image” được giấu kỹ, nội dung cũng không được công bố như các tác phẩm trước đây. Tuy nhiên, nổi tiếng là một trong những đạo diễn đi đầu của làn sóng điện ảnh mới tại Pháp vào những năm 1960, Jean-Luc Godard chưa bao giờ làm người xem thất vọng về sản phẩm nghệ thuật của mình.

Còn sự xuất hiện của Spike Lee tại LHP Cannes với “BlacKkKlansman” khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ông đã mất tích suốt thời gian dài kể từ tác phẩm “Jungle Fever” ở LHP Cannes 1991. “BlacKkKlansman” là tác phẩm đánh dấu mối duyên kỳ ngộ của Spike Lee với Jordan Peele - đạo diễn tài năng được biết đến với “Get Out”. Jordan Peele đầu tư sản xuất cho “BlacKkKlansman”, trong khi Spike Lee đạo diễn câu chuyện về Ron Stallworth, viên cảnh sát người da màu cải trang để xâm nhập vào Ku Klux Klan vào năm 1978. Một phim mang màu sắc nhân quyền và chủng tộc, được cho sẽ tạo nhiều tranh luận tại LHP Cannes năm nay.

Pawel Pawlikowski, đạo diễn từng chiến thắng Oscar Phim nước ngoài xuất sắc nhất với “Ida” (2015), trở lại với “Cold War”. Đây là phim đậm chất chính luận về chiến tranh, cũng là tác phẩm mới nhất của Pawel Pawlikowski từ sau thành công của “Ida”. Nổi tiếng là nhà làm phim tài liệu, Pawel Pawlikowski có cách khai thác đa diện, chân thực, giàu cảm xúc. Do đó, “Cold War” hứa hẹn sẽ thuyết phục người xem.

Trong cuộc đua giành Cành cọ vàng, ngoài bộ ba kể trên còn có sự góp mặt nhiều đạo diễn tài năng khác: nhà làm phim người Ý Matteo Garrone với “Dogman”, nhà làm phim Pháp kỳ cựu Christophe Honoré với “Sorry Angel”, đạo diễn Mỹ David Robert Mitchell với “Under the Silver Lake”, Stéphane Brizé với “At War”, Abu Bakr Shawky với “Yomeddine”, Kirill Serebrennikov với “Leto”...

Sắc màu đến từ châu Á

Những năm gần đây, châu Á rất ít xuất hiện ở các LHP, đặc biệt là Cannes, chỉ vài tác phẩm được nhắc đến ở các hạng mục không tranh giải hoặc dành cho người mới. Tuy nhiên, LHP Cannes năm nay, châu Á có đến 5 phim tranh giải. “Asako I & II” của Ryusuke Hamaguchi và “Shoplifters” của Hirokazu Kore-eda là hai đại diện đến từ Nhật, “Burning” của Lee Chang-dong (Hàn Quốc), “Ash Is Purest White” của Giả Chương Kha (Trung Quốc), “Three Faces” của Jafar Panahi (Iran). Riêng “Everybody Knows” của đạo diễn Iran Asghar Farhadi, dùng ngôn ngữ Tây Ban Nha nên được xem là đại diện của quốc gia châu Âu này. “Everybody Knows” được chọn chiếu mở màn tại Lễ khai mạc LHP Cannes năm nay.

Tuy nhiên, “Burning” mới là phim được kỳ vọng nhiều hơn, khi đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tài năng Lee Chang-dong sau 8 năm kể từ “Poetry” từng chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Cannes  2010. Lee Chang-dong chỉ mới chỉ đạo 6 tác phẩm điện ảnh (bao gồm “Burning”) và tất cả đều gây tiếng vang quốc tế, nổi bật có “Peppermint Candy”, “Oasis”, “Secret Sunshine”. Câu chuyện của “Burning” được chuyển thể từ truyện ngắn “Barn Burning” của nhà văn Haruki Murakami đăng trên tờ The New Yorker. Một câu chuyện bí ẩn xoay quanh quan hệ giữa ba người trẻ càng thu hút khi có sự xuất hiện của ngôi sao đã vắng bóng 2 năm Yoo Ah In và ngôi sao của “The Walking Dead” Steven Yeun. 

Một vị đạo diễn châu Á khác không thể bỏ qua là Hirokazu Kore-eda với “Shoplifters”. Được xem là đạo diễn có phong độ ổn định với những phim mang đậm giá trị nhân văn, thiên về đề tài gia đình, Hirokazu Kore-eda từng mang đến LHP Cannes 2013 tác phẩm đầy cảm xúc “Like Father, Like Son” và chiến thắng Giải thưởng Ban Giám khảo năm đó. “Shoplifters” xoay quanh sự xuất hiện bí ẩn của cô gái trẻ, làm đảo lộn cuộc sống gia đình Osamu.

Giả Chương Kha lại là đạo diễn khá đặc biệt tại LHP Cannes, từng có 5 lần góp mặt tại LHP danh tiếng này, mang về chiến thắng Kịch bản xuất sắc nhất với “A Touch of Sin” vào năm 2013. Giả Chương Kha quen thuộc trong các kỳ LHP quốc tế, cho nên sự xuất hiện lần này của ông được kỳ vọng. “Ash Is Purest White” được cho là mới mẻ hơn phong cách ông thường theo đuổi, khi kể câu chuyện tình yêu đan xen hận thù.

Đại diện đến từ Iran Jafar Panahi với “Three Face” càng khiến nhiều người trông đợi. Jafar Panahi vẫn đang bị chính phủ Iran cấm rời khỏi đất nước sau những chiến dịch dân chủ. Ông cũng bị cấm làm phim, nhưng điều đó không hề làm Jafar Panahi chùn bước khi cho ra đời “Three Face”. Tác phẩm này được Thierry Frémaux, Giám đốc LHP Cannes, đánh giá là cần thiết xuất hiện tại LHP lần này.

Không giống các giải thưởng điện ảnh ở Hollywood, LHP Cannes đánh giá tác phẩm dựa trên sự sáng tạo và đột phá nghệ thuật, nên rất khó dự đoán tác phẩm có thể chạm đến Cành cọ vàng, cho đến khi giải được công bố vào đêm 19-5.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Cannes, Guardian)

Chia sẻ bài viết