11/11/2017 - 15:10

Cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Trung Đông 

Việc Saudi Arabia ban hành sắc lệnh hôm 9-11 kêu gọi công dân nước này rời khỏi Lebanon là dấu hiệu đáng ngại mới nhất trong cuộc xung đột leo thang giữa Saudi Arabia và Iran - 2 cường quốc đối nghịch ở Trung Đông.

Riyadh và Tehran lâu nay đối đầu nhau, nhưng nhiều người lo ngại Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đang muốn khẳng định sự thống trị của nước này trong khu vực bằng mọi giá. Sắc lệnh trên được đưa ra sau khi Saudi Arabia lên án Hezbollah - tổ chức thân Iran và là lực lượng quân sự, chính trị hùng mạnh ở Lebanon.

Theo Thời báo New York, Lebanon đang bị kéo vào cuộc khủng hoảng theo hai cách. Sau khi một tên lửa đạn đạo được bắn từ Yemen sang Thủ đô Riyadh, giới chức Saudi Arabia đã cáo buộc Hezbollah và Iran tiếp tay cho cuộc tấn công này (do phiến quân Houthi thực hiện).

Ngoài ra, họ tuyên bố cuộc tấn công không khác gì lời tuyên chiến từ phía Lebanon – ám chỉ chính quyền Beirut hiện nay không đủ sức kiểm soát Hezbollah. Hezbollah được cho nhận sự hỗ trợ về mặt tài chính và hậu cần từ Iran cũng như ủng hộ các nhóm phiến quân Hồi giáo theo dòng Shiite ở Yemen và Iraq.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) ngày 9-11 có chuyến thăm bất ngờ tại Saudi Arabia gặp Thái tử Mohammed trong nỗ lực hòa giải bất ổn khu vực. Ảnh: AP

Tuần rồi, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đã bất ngờ từ chức khi đang ở thăm Riyadh, với lý do đưa ra là mạng sống ông bị đe dọa. Ông al-Hariri tố Hezbollah tạo ra “một quốc gia bên trong một quốc gia” ở Lebanon và cho rằng Iran can thiệp vào các vấn đề của thế giới A-rập.

Tuyên bố gây sốc của ông al-Hariri đã làm dấy lên những quan ngại rằng Lebanon, quốc gia vốn đang chia rẽ giữa phe do ông al-Hariri đứng đầu và phong trào Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn, có thể một lần nữa chìm trong bạo lực khi nước này trở thành tâm điểm của cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran.

Căng thẳng càng dâng cao khi không chỉ Saudi Arabia mà Bahrain, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait cũng đã yêu cầu công dân của họ rời khỏi Lebanon.

Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil  hôm 9-11 yêu cầu Saudi Arabia đưa ông al-Hariri về nước. Trong khi đó, Tổng thống Michel Aoun vẫn chưa chấp nhận tuyên bố từ chức của ông al-Hariri và đang đợi người đứng đầu nội các Lebanon trở về trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Dù giới phân tích cho rằng chiến tranh giữa Saudi Arabia và Lebanon không thể xảy ra vì Riyadh không thể phát động và Israel cũng không muốn điều này, nhưng bất cứ hành động nào khiến tình hình nóng hơn của Saudi Arabia đều đẩy nguy cơ xung đột ngoài ý muốn lên cao hơn.  Ngoài phát động chiến tranh, bước đi tiếp theo của Saudi Arabia đối với Lebanon có thể là kinh tế, chẳng hạn như tẩy chay và phong tỏa mà nước này và các đồng minh đã làm với Qatar vừa qua.

THANH BÌNH (Theo NBC, ABC News)

Saudi Arabia truy tìm 100 tỉ USD thất thoát

Chính quyền Saudi Arabia hôm 9-11 thông báo đã bắt giữ tổng cộng 201 đối tượng, bao gồm các bộ trưởng, hoàng thân và doanh nhân, để thẩm vấn trong khuôn khổ chiến dịch quy mô lớn chống tham nhũng với số tiền thất thoát ít nhất 100 tỉ USD. Các ngân hàng Saudi Arabia cũng đóng băng hơn 1.700 tài khoản của các cá nhân và công ty liên quan. UAE đã chỉ thị các ngân hàng và công ty tài chính của nước này cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của các công dân Saudi Arabia bị nhà chức trách ở Riyadh bắt giữ. Giới phân tích kinh doanh nhận định chiến dịch chống tham nhũng do Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đứng đầu có thể giúp chính phủ nước này thu giữ số tiền mặt và tài sản trị giá tới 800 tỉ USD.

Chia sẻ bài viết