20/08/2017 - 09:31

Chiến lược gia trưởng Nhà Trắng ra đi

Cuộc chiến mới sắp bùng nổ

Cuối cùng thì đến chiều 18-8 (giờ Mỹ), trưởng cố vấn chiến lược Nhà Trắng Steve Bannon đã phải chính thức ra đi khi nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump mới trải qua được 7 tháng. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ làm giảm mâu thuẫn bên trong Cánh Tây Nhà Trắng, nhưng nhân vật từng giúp ông Trump đắc cử tổng thống bằng chiến dịch vận động dân túy tuyên bố sẽ bắt đầu một cuộc chiến mới nhằm bảo vệ mục tiêu và lý tưởng mà mình theo đuổi.

Chiến lược gia trưởng Steve Bannon (phải) tại một cuộc họp ở Nhà Trắng. Ảnh: Nytimes

Một người quen của ông Bannon cho biết việc từ chức là quyết định cá nhân và ông đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Trump hôm 7-8. Quyết định từ chức dự kiến được thông báo hồi đầu tuần qua nhưng đã bị lùi lại sau khi xuất hiện tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình ở Charlottesville.

Tuy vậy, chính sự kiện ở Charlottesville đã xoáy sâu thêm xung đột giữa ông Bannon và bộ sậu Nhà Trắng. Những người chỉ trích cho rằng chính ông Bannon đã tác động khiến Tổng thống Trump đánh đồng giữa các đối tượng siêu da trắng-tân phát xít và nhóm biểu tình cánh tả đối nghịch.

Vị thế đầy quyền lực và nguyên nhân chia rẽ

Steve Bannon được coi là cố vấn chủ chốt giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 bằng chiến dịch vận động mang màu sắc dân túy chủ nghĩa “nước Mỹ trên hết”. Cho nên khi giữ vai trò cố vấn chiến lược Nhà Trắng, ông Bannon được cho có tiếng nói quan trọng và ảnh hưởng đến các quyết định của Tổng thống Trump. Đây cũng là nguyên nhân khiến nội bộ Nhà Trắng xào xáo và gây bất bình dư luận.

Theo Thời báo New York, sự hiện diện của chiến lược gia trưởng đã tạo nên bầu không khí hỗn loạn và châm chọc cay nghiệt ở Cánh Tây, bởi ông này thường xuyên xung khắc với các cố vấn khác về vấn đề thương mại, chiến tranh tại Afghanistan, chính sách thuế, nhập cư và kể cả vai trò của chính phủ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ The American Prospect hồi tuần rồi, ông Bannon còn châm biếm các đồng nghiệp, bao gồm ông Gary D. Cohn, một trong những cố vấn trưởng kinh tế của Tổng thống Trump, khi cho rằng họ là những người quá nhúc nhác, sợ hãi về sự thay đổi sâu sắc trong chính sách thương mại của Mỹ với các nước. Ông Bannon không ngần ngại chỉ trích con rể tổng thống là Jared Kushner về cách tiếp cận truyền thống toàn cầu để giải quyết các vấn đề thế giới nổi cộm. Ông cũng có mối hiềm khích lâu đời với Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, Trung tướng H.R. McMaster.

Sự ngạo mạn và lấn lướt của ông Bannon đã khiến Tổng thống Trump thời gian gần đây mệt mỏi. Chính ông Trump đã bày tỏ với các cố vấn của mình rằng ông nghi ngờ chiến lược gia trưởng là người làm rò rỉ thông tin cho báo giới về các vấn đề nhạy cảm. Ông Trump còn than phiền Bannon hay khoe  khoang trách nhiệm quan trọng của mình trong các thành công của tổng thống. Sự rạn nứt giữa ông Trump và Bannon đã bắt đầu công khai thể hiện khi vị chiến lược gia nói rằng Mỹ không có giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên, dù Tổng thống và các quan chức cao cấp khác vẫn giữ lập trường này. Trước đó, ông Bannon cho rằng Tổng thống Trump phụ thuộc quá lớn vào các cố vấn gốc gác quân đội, những người muốn nước Mỹ “phiêu lưu quân sự”. Theo ông Bannon, đó là lý do Tổng thống đe dọa hành động quân sự vào Venezuela.

Cuộc chiến mới nhằm vào Cánh Tây ôn hòa

Theo Thời báo New York, việc ông Bannon bị sa thải hay từ chức là một thắng lợi của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, một cựu tướng thủy quân lục chiến được giao nhiệm vụ lập lại trật tự dinh tổng thống Mỹ. Chính ông Kelly đã thuyết phục và ông Bannon đồng ý xác định thứ Sáu (18-8) là ngày làm việc cuối cùng của mình tại Cánh Tây Nhà Trắng.

Hãng tin AP nói rằng sự ra đi có ý nghĩa quan trọng của ông Bannon sẽ để lại chương trình nghị sự quốc gia cho những người cố vấn ôn hòa hơn. Không có ông Bannon, Tổng thống Trump mất đi người cổ vũ mạnh mẽ nhất cho chương trình “nước Mỹ trên hết”. Chính Bannon là thế lực dẫn dắt đứng đằng sau chính sách gây tranh cãi của ông Trump, trong đó có việc áp đặt luật cấm nhập cảnh đối với nhiều quốc gia Hồi giáo, rút khỏi thỏa thuận quốc tế chống biến đổi khí hậu Paris và thay đổi chính sách tiếp cận thương mại với các nước khác. Trước ông Bannon, đã có ít nhất 5 năm quan chức Nhà Trắng  phải ra đi, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên Micheal T. Flynn, 2 giám đốc truyền thông là Anthonu Scaramucci và Micheal Dubke, thư ký báo chí Sean Spicer và Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus.

Theo giới phân tích, dù không hài lòng phong cách hành xử và một số quan điểm ngoại giao khác biệt của  ông Bannon, nhưng Tổng thống Trump vẫn cần người này ủng hộ nhiệt tình chính sách dân túy đã cam kết với cử tri. Sự ra đi của ông Bannon sẽ giúp Tổng thống giảm áp lực từ dư luận và quốc hội. Nói cách khác, ông Bannon vẫn có thể ảnh hưởng đến các quyết sách sau này của ông Trump từ bên ngoài. Và vì thế, theo Thời báo New York, những đồng nghiệp cũ của ông Bannon ở Cánh Tây Nhà Trắng chưa chắc sẽ tồn tại lâu dài. 

Nhưng sự ra đi của ông Bannon liệu có giúp Nhà Trắng  bình yên hay không? Ngay sau khi rời Nhà Trắng, ông Bannon đã trở lại dẫn dắt tập đoàn truyền thông Breitbart News có tư tưởng cực hữu. Tổng biên tập Breitbart News Alex Marlow khẳng định trên trang web của hãng ngày 18-8 rằng “phong trào dân tộc-dân túy ngày nay đã trở nên mạnh mẽ  hơn”.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn Tuần báo Standard, ông Bannon thừa nhận ông không hài lòng khi phải từ bỏ chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng. “Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump mà chúng tôi đã chiến đấu và giành thắng lợi đang đi tới. Chúng tôi vẫn còn một phong trào rộng khắp và chúng tôi sẽ làm gì đó trong nhiệm kỳ này của ông ấy. Sẽ có đủ loại cuộc chiến, sẽ có những ngày tốt đẹp và tồi tệ, nhưng nhiệm kỳ tổng thống vẫn đi tới. Trong nhiều con đường, tôi nghĩ có thể chiến đấu hiệu quả hơn từ bên ngoài cho chương trình mà Tổng thống Trump theo đuổi. Và bất kỳ ai cản trở con đường của chúng ta, chúng ta sẽ gây chiến với họ” – ông Bannon tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chương trình hành động thời ông Trump. Bannon cho biết thêm khi được trút gánh nặng quyền lực và tự do, ông sẽ dùng vũ khí ngòi bút để chống lại những người phản đối mình, từ các cố vấn Nhà Trắng cho đến giới lập pháp và giới truyền thông khác.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết