18/10/2011 - 09:39

Cuộc chiến mới của Mỹ tại châu Phi

Những lính Mỹ đầu tiên tới Uganda. Ảnh: AP

Những toán lính Mỹ đầu tiên đã tới Uganda trong chương trình của chính quyền Barack Obama đưa 100 binh sĩ Mỹ sang giúp Kampala chống lại lực lượng nổi dậy. Đây được coi là bước đi mới của Washington trong chiến lược bảo vệ lợi ích của Mỹ tại châu Phi.

Theo hãng tin Mỹ AP, phần lớn quân nhân Mỹ đã và sẽ có mặt tại Uganda là lực lượng đặc nhiệm được trang bị đầy đủ nhưng chỉ mang tính chất phòng vệ và thực hiện sứ mạng cố vấn, thu thập thông tin tình báo. Mục đích của chương trình này là giúp Kampala tiêu diệt phiến quân có tên gọi “Đội quân Kháng chiến của Chúa (LRA)” và kẻ cầm đầu Joseph Kony. Các nhà phân tích chính trị cho rằng đây là “phần thưởng” của Washington dành cho Kampala trong nỗ lực đưa hàng ngàn binh sĩ sang nước láng giềng Somalie tham gia cuộc chiến chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Shabab có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Là một tổ chức vũ trang từng đối đầu với quân đội chính phủ suốt 20 năm qua, làm hàng chục ngàn người chết và gần 2 triệu người phải đi lánh nạn, LRA bị coi là một trong những nhóm nổi dậy tàn bạo nhất tại châu Phi và bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Nhưng lực lượng này đã bị suy yếu nghiêm trọng từ cách đây 15 năm và hiện tại chỉ còn lại khoảng 200-400 tay súng, so với 3.000 tên năm 2003. Lực lượng của LRA ngày nay cũng bị chia rẽ và phân tán, không có khả năng đe dọa an ninh đối với Mỹ.

Tuy nhiên, chính quyền Obama cáo buộc LRA trong những năm gần đây đã sát hại hàng ngàn thường dân, bắt cóc trẻ em làm nô lệ tình dục và cầm súng không chỉ tại Uganda, mà cả các nước xung quanh như Nam Sudan, CHDC Congo, CH Trung Phi. Hồi tháng 6 vừa qua, Lầu Năm Góc đã viện trợ quân sự trị giá hàng chục triệu USD cho Uganda, trong đó có nhiều phương tiện tác chiến như máy bay không người lái, áo giáp chống đạn, dụng cụ liên lạc thông tin, máy nhìn ban đêm. Tháng 11 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã ủng hộ chiến lược mới chống LRA bằng các nỗ lực hợp tác tổng thể về ngoại giao, kinh tế, tình báo và quân sự nhằm cái gọi là “để đảm bảo sự ổn định và lợi ích của Mỹ ở châu Phi”.

Giới phân tích cho rằng sự dính líu quân sự gần như trực tiếp mang danh nghĩa “can thiệp nhân đạo” lần này của Mỹ nằm trong học thuyết đối ngoại bao phủ toàn cầu của Nhà Trắng. Riêng tại châu Phi, quân đội Mỹ đã thiết lập trung tâm chỉ huy chung (Africom) có trụ sở tại Đức và đang duy trì một căn cứ quân sự tại Djibouti. Mới đây, có nguồn tin cho biết Mỹ cũng đã có một căn cứ máy bay không người lái tại châu Phi nhưng dưới quyền chỉ huy tác chiến của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết