26/02/2018 - 10:22

Củng cố “Tứ giác Kim cương” 

Trong chuyến thăm Mỹ cuối tuần rồi của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, hai bên đã tái cam kết thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng quan hệ hợp tác bốn bên với Nhật và Ấn Độ.

Lãnh đạo Nhật, Mỹ, Úc tại Philippines cuối năm ngoái (từ trái sang).

Lãnh đạo Nhật, Mỹ, Úc tại Philippines cuối năm ngoái (từ trái sang).

Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa ông Turnbull với Tổng thống Donald Trump kêu gọi “một trật tự dựa trên qui tắc tự do, cởi mở và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”. Động thái này được cho là nhằm vào những hành động đi ngược luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, ông Trump cũng cám ơn việc Úc ủng hộ các chiến dịch tự do hàng hải của Washington ở Biển Đông và cho biết sẽ đặt tên USS Canberra cho một chiến hạm mới. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến xứ cờ hoa mang tên thành phố bên ngoài nước Mỹ.

Và giữa lúc Thủ tướng Turnbull có mặt ở Mỹ thì tờ The Australian cho biết Canberra đang cân nhắc tiến hành hoạt động duy trì tự do hàng hải và hàng không độc lập trên Biển Đông. Đặc biệt, lần này các tàu và máy bay của Úc sẽ có thể vào khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở đây.

Vài ngày trước chuyến công du của ông Turnbull, tờ Australian Financial Review dẫn nguồn tin từ quan chức Washington giấu tên cho biết Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ đang thảo luận việc triển khai một dự án cơ sở hạ tầng chung nhằm làm đối trọng với sáng kiến “Vành đai, Con đường” trị giá hàng trăm tỉ USD mà Trung Quốc đang thực hiện nhằm mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực.

Cũng trong tuần rồi, Nhật Bản công bố Sách trắng thường niên về Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trong đó nhấn mạnh Tokyo sẽ sử dụng nguồn vốn này để thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, khu vực được kết nối với nhau bởi 4 trọng tâm là Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, hay còn gọi là “Tứ giác Kim cương”.

Khái niệm “Tứ giác Kim cương” được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đưa ra vào cuối năm 2007 và cũng tồn tại ngắn ngủi như nhiệm kỳ đầu tiên chỉ kéo dài 1 năm của ông. “Tứ giác Kim cương” trở lại khi các quan chức Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines tháng 11 năm ngoái. Ngoài quan hệ khắng khít lâu nay của “bộ tam” Mỹ-Nhật-Úc thì hiện Ấn Độ cũng tích cực tham gia vào liên minh được cho là có thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này có thể thấy qua tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ sau cuộc gặp bốn bên tại Manila. “Chúng tôi  đồng ý rằng một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và bao trùm sẽ phục vụ lợi ích lâu dài của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới”- những từ ngữ mà trước đó thường được Washington, Tokyo và Canberra sử dụng.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết