05/01/2018 - 14:17

Cửa sổ trưng thu quang năng với công nghệ chấm lượng tử 

Nhờ kết hợp công nghệ chấm lượng tử với thiết kế kính kép, các nhà khoa học Mỹ vừa sáng chế thành công cửa sổ năng lượng Mặt Trời (NLMT) vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng sản lượng điện.

Ảnh: LANL

Sản phẩm cửa sổ kính kép của nhóm chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL) dựa trên một công nghệ gọi là “tách quang phổ ánh nắng”, cho phép cửa kính hấp thu đồng thời các photon ánh sáng năng lượng cao và thấp. Công nghệ này ngăn chặn hiện tượng tái hấp thụ làm giảm sản lượng điện.

Về thiết kế, các chấm lượng tử mangan được bố trí ở mặt trước của lớp kính thứ nhất, trong khi các chấm lượng tử đồng–indium–selenide (CISe) được xếp ở mặt sau của lớp kính thứ hai. Nhờ đó, khung kính đầu tiên chỉ hấp thụ ánh sáng xanh và ánh sáng cực tím (tia UV), trong khi phần khung kính phía sau hấp thụ phần còn lại của quang phổ. Sau khi hấp thụ, các chấm lượng tử lại phát ra các photon có bước sóng dài hơn, cửa kính kép tiếp tục trưng thu và chuyển hướng bước sóng này về phía khung, nơi bộ pin quang năng biến đổi ánh sáng thành điện năng. Như vậy, cửa sổ gồm hai mặt kính vừa có khả năng tạo ra điện từ ánh nắng trong khi vẫn đảm bảo chức năng che chắn và cách nhiệt (với môi trường bên ngoài).

HUY MINH (Theo UPI)

Chia sẻ bài viết