06/11/2018 - 20:40

Công nghệ thực tế ảo có thể cách mạng hóa giáo dục? 

Tận dụng tiềm năng của công nghệ thực tế ảo (VR), nhiều công ty công nghệ giáo dục (edtech) đang ứng dụng VR để mang lại những trải nghiệm sống động vào lớp học. Song câu hỏi đặt ra là liệu VR có thể cách mạng hóa nền giáo dục truyền thống không?

Học sinh tham gia một tiết học với công nghệ VR. Ảnh: CNN

Phạm vi ứng dụng đa dạng

Theo công ty phần mềm giáo dục Nearpod, hơn 6 triệu học sinh Mỹ và nhiều nước khác đã trải nghiệm các bài học dựa trên VR, chẳng hạn như tham gia các chuyến dã ngoại trong thực địa ảo, kể từ khi họ bắt đầu cung cấp dịch vụ này cách đây 2 năm. “Chúng tôi nhận thấy có mối tương quan trực tiếp giữa việc sử dụng VR và sự gia tăng về mức độ tham gia học tập của học sinh, qua đó nâng cao hiệu quả học tập” - giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Nearpod, Guido Kovalskys, cho biết.

Trong khi đó, công ty Labster (Đan Mạch) lên kế hoạch dùng VR đưa phòng thí nghiệm khoa học đến với sinh viên, sau khi các công cụ giáo dục và phòng thí nghiệm ảo của họ được ứng dụng tại khoảng 150 trường đại học trên toàn cầu. Đến nay, Labster đã phát triển hơn 70 mô hình ảo có thể truy cập qua mạng Internet dành cho sinh viên ngành khoa học và chuẩn bị tích hợp chúng vào VR, cũng như tạo ra các mô hình mới để cung cấp trải nghiệm dồi dào hơn cho người học.

Maaroof Fakhri, giám đốc phụ trách sản phẩm VR tại Labster, cho biết mục tiêu của công ty là thu hút sinh viên thông qua “các hình thức kể chuyện, tường thuật và trò chơi tương tác”. Ví dụ, sinh viên nghiên cứu ADN có thể tham gia chương trình mô phỏng hiện trường vụ án, truy tìm manh mối và phân tích những phát hiện của họ. Labster cho biết đang hợp tác với Google để phát triển hàng loạt sản phẩm VR mới.

Có thể bổ sung VR vào phương pháp dạy học truyền thống

Chian Gong – một quản lý của hãng đầu tư mạo hiểm  Reach Capital, đơn vị hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới về giáo dục - thừa nhận rằng VR là một lĩnh vực “nhiều tiềm năng”, nhưng vẫn “khá mới mẻ” đối với môi trường lớp học. Theo bà, đó là bởi vì công nghệ này đòi hỏi cơ sở giáo dục phải trang bị phương tiện cho học sinh, trong khi các nội dung chất lượng thì không có sẵn. Cùng quan điểm, Giáo sư Jeremy Bailenson tại Đại học Stanford (Mỹ) – người bắt đầu nghiên cứu VR từ cuối những năm 1990 – cũng cho rằng VR tuy có nhiều ưu điểm nhưng công nghệ này chỉ nên được dùng bổ sung cho lớp học, chứ không thể thay thế các hoạt động giảng dạy truyền thống. Chẳng hạn, khi học kết hợp động từ, ông cho rằng cách dạy tốt nhất không phải dùng VR mà là trên bảng đen, bởi nó đòi hỏi học sinh nhìn và ghi nhớ chứ không cần di chuyển.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn cần tìm hiểu thêm ảnh hưởng của VR lên việc học tập của trẻ em. Đơn cử, Giáo sư Bailenson và các cộng sự tại phòng thí nghiệm Đại học Stanford từng tìm hiểu tác động tâm lý đối với trẻ nhỏ khi sử dụng VR. Kết quả cho thấy trong một số trường hợp, những em từng trải nghiệm việc bơi với cá voi trong môi trường VR đã có những ký ức sai lệch khi đi tham quan công viên hải dương SeaWorld thật.

Mặc dù tin rằng công nghệ này có thể đóng vai trò lớn hơn tại lớp học trong tương lai, song nhà đồng sáng lập Nearpod không nghĩ nó sẽ thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên. “Học tập là một trải nghiệm xã hội. Nó không chỉ liên quan đến nội dung bài học mà còn học cách tương tác với người khác. Do đó, giáo viên vẫn giữ vai trò ảnh hưởng nhất định” – ông Kovalskys nhận định.

AN NHIÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết