02/12/2017 - 18:54

Công nghệ thông tin - đòn bẩy của sự phát triển 

Công nghệ thông tin hình thành và phát triển trên thế giới đã tác động tích cực đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần làm thay đổi lối sống, phong cách làm việc và tư duy của loài người. Công nghệ thông tin là ngành kinh tế mũi nhọn mới và được ví là “hạ tầng của hạ tầng” cho các ngành kinh tế khác. Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, công nghệ thông tin chính là “chìa khóa” của sự thay đổi, là đòn bẩy giúp Việt Nam phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều đột phá từ công nghệ thông tin

Tại Việt Nam, tài chính là một ngành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin sớm nhất. Cục trưởng Cục Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) Đặng Đức Mai cho biết: Sau hơn 20 năm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện nay ngành tài chính đã xây dựng được hơn 110 cổng thông tin trong ngành. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp luôn được chú trọng để đạt kết quả tốt nhất. Đến nay, 944 thủ tục hành chính của ngành tài chính đã được chuyển đổi thành dịch vụ công…

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, tra cứu tài liệu. Ảnh: LỆ THU

Theo báo cáo của ngành tài chính, tính đến tháng 11-2017, cả nước có 694.000 doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử, 97,7% đơn vị nộp thuế điện tử; hải quan 100% thông quan điện tử … Để làm được điều này, công nghệ thông tin đóng góp rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính công văn minh hiện đại, hướng đến xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ tối đa hóa lợi ích của người dân.

Những năm gần đây, khi hạ tầng công nghệ thông tin được mở rộng đầu tư, các địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, 63 địa phương đều đã có trang thông tin điện tử, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, hiệu quả. Trong các lĩnh vực quan trọng như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… việc cải cách thủ tục hành chính được chú trọng…Với ngành giáo dục, việc ứng dụng công nghệ thông tin được phổ cập tại hầu hết các trường trung học phổ thông và gần 80% các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Tại Việt Nam, công nghệ thông tin được Đảng, Chính phủ quan tâm đầu tư từ sớm với định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 246/QĐ-TTg (ngày 6-10-2005) phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam với định hướng ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng và phát triển ngành công nghệ thông tin.

Năm 2006, Luật Công nghệ thông tin ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho các lĩnh vực của ngành công nghệ thông tin phát triển. Sau 10 năm Luật Công nghệ thông tin đi vào thực tiễn, tại Việt Nam, hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở các cấp, các ngành của đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngày càng kiện toàn với việc nhiều nghị định thông tư và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực đã mang lại những bước đột phá mới trong điều hành, sản xuất, phân phối các ngành hàng kinh tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối, khách hàng dựa trên những ứng dụng của mạng xã hội trên nền tảng công nghệ thông tin đã làm gia tăng giá trị kinh tế cho  Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt hơn 939 nghìn tỉ đồng, đóng góp khoảng 70% vào tổng thu của toàn ngành công nghệ thông tin và truyền thông năm 2016; nộp ngân sách khoảng 93 nghìn tỉ đồng. Ngành công nghệ thông tin đã thu hút trên 600.000 lao động, một nửa trong số đó làm việc trong lĩnh vực phần mềm và công nghiệp nội dung số. Trong hơn 10 năm qua, toàn ngành công nghiệp công nghệ thông tin tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử của Việt Nam đạt khoảng 58 tỉ USD. Sản phẩm công nghệ thông nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng internet đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống đem đến những tác động mạnh mẽ, thay đổi cuộc sống của toàn xã hội. Tính đến tháng 11-2017, tỷ lệ người dân sử dụng internet tại Việt Nam đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính đã đạt đến con số 34% (năm 2008 là 20%). Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng đạt khoảng 30%. Tỷ lệ các doanh nghiệp có kết nối internet băng rộng đạt khoảng 91% (năm 2008 là 60%). Tỷ lệ thuê bao di động đạt khoảng 113 thuê bao/100 dân. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư để tạo nền tảng để xây dựng xã hội số, công dân số, chính phủ điện tử...

Theo báo cáo chỉ số phát triển chính phủ điện tử năm 2016 của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước trên toàn thế giới, tăng 10 bậc so với năm 2014. Kết quả này ghi nhận hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin nước ta phát triển nhanh, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam. Nhiều địa phương đã và đang xây dựng và thúc đẩy công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…

Với những thành tựu đạt được, có thể khẳng định công nghệ thông tin là “phương tiện chủ lực” để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo khả năng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Công nghệ thông tin đã góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới. Những thế mạnh về công nghệ thông tin đã và đang mang lại vị thế cao hơn cho Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trước ngưỡng cửa của cách mạng công nghiệp 4.0.

NGỌC BÍCH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết