19/08/2017 - 21:35

Công nghệ sinh học “mở đường” phát triển nông nghiệp bền vững 

Trong khuôn khổ “Tuần lễ an ninh lương thực (ANLT) và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra tại TP Cần Thơ, Nhóm Diễn đàn đối thoại về Phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB) tổ chức Hội thảo về công nghệ sinh học (CNSH) nông nghiệp trong thời kỳ kỷ nguyên số. Đây là sự kiện quan trọng góp phần cập nhật thông tin về CNSH ứng dụng trong nông nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. 

Bắp biến đổi gien được trồng tại huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Bắp biến đổi gien được trồng tại huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực CNSH của các Nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ về các thành tựu CNSH trong thời kỳ kỷ nguyên số như: cây trồng biến đổi gien; công nghệ về chọn tạo giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu… Đồng thời khẳng định, CNSH là hướng đi tất yếu và giải pháp tốt nhất để tạo ra các giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao và kháng được nhiều loại sâu bệnh.

Theo Giáo sư Flerida Carino, chuyên gia sinh hóa, Viện Hóa học, Trường Đại học Diliman, thực tế công nghệ mới về CNSH được ứng dụng và đem lại nhiều thành tựu tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Philippines, Brazil, Ấn Độ, Columbia… Đơn cử như việc Mỹ đưa vào sản xuất giống cà chua biến đổi gien đã giúp giá cà chua giảm 20% nhờ kháng được sâu bệnh và làm cà chua tươi lâu hơn. Hiện tại, công nghệ biến đổi gien được ứng dụng trên nhiều giống cây trồng như: cải dầu, đậu tương, ngô… Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ: “Nhiều năm nay, việc ứng dụng CNSH vào sản xuất và đời sống được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Đặc biệt, thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của CNSH vì tầm ảnh hưởng, tác động của nó rất lớn trong nhiều lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, vắc-xin phòng bệnh… Riêng đối với nông nghiệp, CNSH góp phần tạo nên giống cây trồng vật nuôi và thủy sản; các dịch vụ bảo vệ thực vật như con người mong muốn”. 

Cũng như các nước thành viên APEC, Việt Nam chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. Chính vì vậy, một trong những giải pháp được ưu tiên lựa chọn là ứng dụng khoa học công nghệ mới, trong đó có CNSH vào sản xuất. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp xác định 3 giải pháp quan trọng để thực hiện gồm: phát triển tư liệu sản xuất, giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ và giải pháp về cơ chế chính sách. Trong đó, giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ là quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu. “Việt Nam khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới để phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó CNSH đóng vai trò rất quan trọng – là công cụ để nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp”- bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia truyền tải nhiều thông điệp để ứng dụng CNSH bền vững, hài hòa lợi ích quốc gia và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Giáo sư Flerida Carino nhấn mạnh: “Việc áp dụng cây trồng biến đổi gien vào sản xuất nông nghiệp gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, sau 20 năm xuất hiện, có thể thấy hầu hết từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển đều ứng dụng cây trồng biến đổi gien vào sản xuất. Và cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh cây trồng biến đổi gien ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Điều này cho thấy, một thành tựu về khoa học công nghệ được áp dụng thành công tại một quốc gia nào đó, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm và cân nhắc áp dụng vào thực tế sản xuất tại quốc gia mình. Đừng quá nặng nề vấn đề phụ thuộc, áp đặt hay độc quyền kinh doanh thành tựu CNSH của các quốc gia phát triển”.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, CNSH được xem là giải pháp khả thi đối với sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam cần tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin với các nước có nền CNSH phát triển như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Đồng thời cử cán bộ, chuyên gia đi đào tạo. Có như vậy mới đủ trình độ tiếp nhận và ứng dụng CNSH vào thực tế sản xuất.  Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đóng vai trò định hướng cho nông dân để tránh sử dụng tràn lan, không đúng mục đích gây lãng phí. “Lấy ví dụ như cây trồng biến đổi gien chẳng hạn, chúng ta đừng xem đó là “chìa khóa vạn năng”. Ngô biến đổi gien kháng sâu mà đem trồng ở khu vực không có áp lực lớn về sâu hại thì không khác gì cây ngô bình thường. Lúc đó, chúng ta lại phải tốn chi phí cao đầu tư mua hạt giống” - ông Lê Huy Hàm lưu ý. 

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết