26/03/2017 - 16:14

Công nghệ motion capture và những diễn viên giấu mặt

"Kong: Skull Island" gây sốt phòng vé một phần nhờ thương hiệu Kong- nhân vật hư cấu, được dựng lên từ sự tưởng tượng con người và công nghệ motion capture (mô phỏng, bắt chuyển động). Công nghệ này đã góp phần tạo nên nhiều bom tấn Hollywood và là yếu tố không thể thiếu trong các phim về quái vật, nhân vật kỳ lạ. Motion capture không chỉ là kỹ xảo vi tính mà còn có diễn xuất của các diễn viên.

Andy Serkis (phải) và nhân vật Caesar.

Công nghệ motion capture từng gây tranh cãi vì xóa nhòa ranh giới giữa hoạt hình và diễn xuất. Nhờ motion capture, nhiều nhân vật tưởng tượng đã trở nên sống động như thật: quái vật Gollum trong "Lord of the Rings", vua khỉ Kong trong "King Kong", "Kong: Skull Island"; khỉ Caesar trong "Planet of the Apes", tộc người Navi trong "Avatar", rồng đỏ Smaug trong "The Hobbit 2: The Desolation of Smaug"… Đằng sau đó là diễn xuất và hy sinh thầm lặng của các diễn viên bởi với những nhân vật này, diễn viên như người đóng thế. Trên màn ảnh họ không lộ diện, thay vào đó những chuyển động của cơ mặt, ánh mắt, cơ thể được ghi lại chi tiết, sau đó nhân viên kỹ thuật sẽ ghép các cử động vào hình ảnh nhân vật không có hình dạng con người. Trên trường quay, các diễn viên phải mặc đồ bảo hộ, trên đó có nhiều điểm ghi nhận để bắt chi tiết chuyển động của diễn viên. Diễn viên cũng phải quên đi bản thân, trở thành quái thú hoặc các nhân vật không có thật.

Nam diễn viên Andy Serkis là ngôi sao của công nghệ motion capture. Andy Serkis xuất sắc trong nhiều vai diễn như quái vật Gollum, vua khỉ Kong (trong "King Kong"), khỉ chúa Caesar. Andy Serkis được đánh giá cao nhờ kỹ năng diễn xuất được rèn luyện trong nhiều năm. Anh cho rằng diễn mô phỏng khó hơn diễn thật bởi phải rất tỉ mỉ, chỉ sai một chi tiết là phải diễn lại từ đầu. Cho nên, Andy Serkis lang thang suốt hai tháng khắp các dãy núi của Rwanda để quan sát hành động của một con gorilla, giúp diễn xuất của anh trong vai Kong hay Caesar thuyết phục người xem và giới phê bình. Richard Corliss- cây bút của Time, từng đánh giá vai diễn Caesar của Andy Serkis có thể khiến Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ cân nhắc trao tượng vàng Oscar cho nam diễn viên luôn giấu mặt này.

Andy Serkis (trái) và nhân vật Gollum.

Còn Terry Notary- nam diễn viên đóng vai Kong trong "Kong: Skull Island", là bạn đồng hành của Andy Serkis trong nhiều tác phẩm, nổi bật có "Planet of the Apes". Chú khỉ Rocket của Terry Notary cũng nhận nhiều lời ngợi khen. Trên trường quay, để hóa thân vào nhân vật khỉ Rocket, Terry Notary phải đeo khuôn nhựa lên mặt với 52 điểm ghi nhận. Sau đó, anh đeo mũ có quai với chiếc máy quay luôn chĩa vào mặt. Terry Notary cho rằng motion capture là một cuộc cách mạng diễn xuất, bởi lẽ nó đòi hỏi người diễn viên phải diễn đạt tốt nhất nhân vật, mà không cần đến vẻ bề ngoài.

Với công nghệ motion capture, phim ảnh thực sự đã có một bước tiến mới, biến những điều không thể thành có thể, ngày càng hấp dẫn lôi cuốn hơn.

Bảo Lam
(Tổng hợp từ Telegraph, Variety)

Chia sẻ bài viết