16/11/2010 - 09:22

Công khai hóa đối tượng trong tổ chức phản cách mạng “Việt Nam tự do” năm 1983

Đối tượng Đoàn Văn Chắc đang nhận lỗi trước nhân dân.

Ngày 28-10 vừa qua, Phòng An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ đã phối hợp với Công an huyện Phong Điền tổ chức công khai hóa đối tượng trong tổ chức phản cách mạng “Việt Nam tự do” năm 1983 đã tổ chức cướp chính quyền tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Đối tượng là Đoàn Văn Chắc (tên gọi khác: Nguyễn Văn Sơn, SN 1964, ĐKTT: ấp Thới An B, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ; chỗ ở hiện nay: Tổ 7, Thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngày 15-2-1983, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can Đoàn Văn Chắc, đến ngày 10-6-2010, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ quyết định phục hồi điều tra bị can về tội bạo loạn.

Khởi nguồn phạm tội

Nguyễn Văn Tửu (tên gọi khác: Lê Khắc Long, Nguyễn Phú Hải, Trần Văn Trường), SN 1938, trú quán: ấp Thới Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Trước năm 1975, Tửu là tên đầu hàng phản bội, với chức vụ Trung đội trưởng 120 biệt kích võ trang chiêu hồi ác ôn, hoạt động bảo vệ tuyến vòng cung bao quanh TP Cần Thơ (cũ). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tửu trốn trình diện và bỏ đi Long Xuyên tiếp tục hoạt động phản cách mạng. Năm 1977, bị Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xử phạt 10 năm tù về tội: Phản cách mạng và đưa đi cải tạo tại xã Hàm Tân, huyện Xuyên Mộc. Ngày 15-6-1982, Tửu trốn khỏi trại cải tạo và tiếp tục chống phá cách mạng.

Tháng 11-1982, Tửu liên lạc với Phan Văn Kiến, Võ Văn Thắng, Phan Văn Dện và Phạm Văn Đực thành lập tổ chức phản cách mạng với danh xưng: “Việt Nam tự do” nhằm mục đích vũ trang bạo loạn cướp chính quyền ở 11 tỉnh miền Tây Nam bộ. Sau khi thành lập, bọn chúng móc nối, lôi kéo tham gia vào tổ chức khoảng 50 tên, đa số là bọn ngụy quân, ngụy quyền cũ chưa trình diện học tập cải tạo. Sau khi hình thành tổ chức, chúng lên kế hoạch vào đêm giao thừa Tết năm 1983 (tức ngày 12-2-1983 dương lịch) sẽ tiến hành bạo loạn cướp súng, cướp chính quyền ở xã Giai Xuân và xã Trường Thành thuộc tỉnh Hậu Giang (cũ), nay là xã Giai Xuân, huyện Phong Điền và xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ để gây thanh thế, sau đó chúng rút vào rừng đước Cà Mau lập căn cứ phát triển lực lượng chống phá lâu dài. Theo nội dung kế hoạch, Tửu giao cho Kiến chỉ huy một nhóm cướp chính quyền ở xã Trường Thành, còn Tửu trực tiếp chỉ huy Võ Văn Thắng, Huỳnh Văn Giới, Võ Văn Tặng và một số tên khác tiến hành bạo loạn cướp chính quyền ở ấp Thới Hưng và Thới An B, xã Giai Xuân. Đến đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết âm lịch năm 1983, sau khi tập hợp xong lực lượng, chúng kéo đến nhà của các cán bộ địa phương để cướp súng, ai chống cự thì bắn chết. Bọn chúng đã cướp được 16 khẩu súng các loại, bắn chết 3 cán bộ và làm 1 cán bộ bị thương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Hậu Giang (cũ) đã tiến hành truy quét bắt được 42 đối tượng, thu hồi 1 con dấu của tổ chức, 2 dao lê, 16 súng các loại và nhiều tang vật khác. Qua điều tra đã truy tố 28 đối tượng, trong đó có 5 tên bị tuyên án tử hình (Tửu, Thắng, Kiến, Đực, Bông), các tên còn lại chịu mức án từ 5 – 20 năm tù. Ngoài số đối tượng bị xử lý trên, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã 7 đối tượng bỏ trốn gồm: Lê Văn Bảnh, Huỳnh Văn Giới, Đoàn Văn Chắc, Huỳnh Văn Năm, Nguyễn Văn Hon, Huỳnh Ngọc Tuấn. Đến nay, các đối tượng đã ra đầu thú và được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Sự bồng bột của tuổi trẻ

Khoảng 22 giờ ngày 30-12-1982 âm lịch, trong lúc Đoàn Văn Chắc đang ngồi nhậu tại nhà ông Năm Nồm, cùng với các con ông Năm Nồm là ông Tèo và ông Liêm thì nhóm bạo loạn do tên Võ Văn Tặng cầm đầu cùng các tên Nga, Bảnh, Tuấn (Be) ập vào nhà ông Năm Nồm yêu cầu ông Liêm (lúc này là Công an ấp) giao nộp súng cho bọn chúng. Ông Liêm chống cự lập tức Tặng bắn một phát súng chỉ thiên đe dọa. Thấy bọn chúng đông và manh động, ông Liêm đành giao nộp khẩu súng M16 cho tên Tuấn. Sau khi cướp được súng, tên Bảnh rủ Chắc gia nhập nhóm bạo loạn tiếp tục đi cướp súng của một số cán bộ còn lại, Chắc đồng ý đi theo. Theo sự chỉ đạo của tên Tặng, cả bọn lấy xuồng của ông Út Nhuộm qua sông đến vàm Ba Dơi tìm bắt đồng chí Bảy Lia (Phạm Văn Hoàng - Phó Công an xã Giai Xuân). Trên đường đi, chúng tiếp tục lôi kéo được hai đối tượng tham gia bạo loạn là tên Quang và Hon, nâng tổng số tên trong nhóm phản cách mạng lên 7 tên (Tặng, Nga, Tuấn, Bảnh, Chắc, Quang và Hon). Qua sông đi được khoảng 100m thì gặp đồng chí Bảy Lia đi hướng ngược lại, ngay lập tức tên Tặng móc súng khống chế và tước súng Col 45 của đồng chí Bảy Lia; Chắc chạy vào bụi chuối gần đó tìm dây trói đồng chí Bảy Lia nhưng không có, Quang liền tháo dây súng trói ngoặt hai tay đồng chí Lia về phía sau, lúc đó Chắc kêu Tặng lấy đồng hồ và bắn chết Bảy Lia nhưng Tặng không đồng ý.

Sau đó bọn chúng dẫn đồng chí Bảy Lia đi về hướng vàm Bông Giang đến nhà ông Út Cảnh là cậu ruột của đồng chí Bảy Lia, do xuồng nhỏ nên chúng chia làm hai tốp qua sông, trên đường đến nhà ông Út Cảnh bọn chúng tiếp tục ghé vào nhà ông Tám Tiệm bắt giao nộp súng nhưng không có súng. Đến nhà ông Út Cảnh bọn chúng bắt ông Út Cảnh phải viết giấy bảo lãnh cho đồng chí Bảy Lia, sau đó chúng thả đồng chí Bảy Lia rồi đi về hướng chợ Miễu Ông. Đến đây Tặng ra lệnh cho Tuấn dẫn Quang và Chắc đến đợi ở cống Rạch Bàng, còn các tên còn lại Chắc không biết đi đâu. Đến 4 giờ, thấy đồng bọn tản mát khắp nơi, biết sự việc đã bị bại lộ nên Tuấn dẫn Quang và Chắc tìm đường bỏ trốn ra Bình Thủy rồi chia tay tại đây. Quang và Chắc trốn về Sóc Trăng ở nhờ nhà ông Bảy Mát là bà con với tên Quang.

Đến Sóc Trăng, Quang và Chắc tìm đến nhà ông Bảy Mát xin tá túc và xin làm thuê cho lò đường Tư Lù gần đập ngăn nước mặn Ngan Rô. Cuối năm 1983, giữa Quang và Chắc phát sinh mâu thuẫn nên Chắc bỏ đến Vũng Tàu sinh sống và làm thuê cho ông Tùng, công việc là trồng rẫy. Cuối năm 1984, Chắc gặp chị Nguyễn Thị Thu Thủy (tức vợ Chắc hiện nay) và sống với chị Thủy tại xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho đến ngày bị bắt 9-6-2010.

Đoàn Văn Chắc xuất thân từ một gia đình nghèo, trình độ học vấn thấp, nhận thức về chính trị và pháp luật bị hạn chế, phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa lường hết được hậu quả do hành vi mình gây ra. Việc tham gia tổ chức bạo loạn tại xã Giai Xuân năm 1983 là do nhất thời bị lôi kéo không có chủ đích trước, vai trò phạm tội chỉ ở mức độ giúp sức. Quá trình điều tra, Đoàn Văn Chắc đã nhận thức được lỗi lầm của mình, biết ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để được làm lại cuộc đời.

Căn cứ Điều 25 Bộ luật Hình sự và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Cần Thơ đã thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ đến ngày 20-10-2010 ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Đoàn Văn Chắc và đưa Chắc ra nhận tội trước nhân dân và chính quyền địa phương. Tại buổi công khai, Đoàn Văn Chắc đã nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin được nhận sự khoan hồng của pháp luật, hứa phấn đấu trở thành người công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Thượng tá Trần Quang Thắng, Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan ANĐT Công an TP Cần Thơ, nói: “Việc tham gia bạo loạn tại xã Giai Xuân năm 1983 của bị can Đoàn Văn Chắc là do tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ, nhất thời bị lôi kéo, vai trò và mức độ phạm tội chỉ ở mức độ giúp sức. Quá trình điều tra bị can nhận thức được lỗi lầm của mình, biết ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo nhận tội. Mặt khác, trong quá trình lẩn trốn, bị can làm ăn lương thiện, không phạm tội mới”.

Bài, ảnh: THANH CẦN

Chia sẻ bài viết