26/08/2008 - 22:13

Công chức bỏ việc: Nói đi cũng nên nói lại

G ần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều về “làn sóng” công chức bỏ việc. Các nguyên nhân chủ yếu do thu nhập (chính thức) không đủ sống, môi trường làm việc không thuận lợi, tình trạng quan liêu hành chính và lối đề bạt “sống lâu lên lão làng”, xã hội chưa xem công chức là một nghề... Các nguyên nhân này đều xuất phát từ cơ chế chính sách và ý thức của cộng đồng, không thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Chắc chắn các nhà làm chính sách, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã biết rất rõ và đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này. Do đó, cán bộ công chức phải chờ đợi và nuôi dưỡng niềm tin ở mức lương xứng đáng và một cơ chế tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, nói đi cũng nên nói lại, làm công chức vẫn có những niềm vui và hạnh phúc trong một môi trường làm việc an toàn với một nhiệm vụ cao quý.

Trong cơ quan nhà nước, ở một số đơn vị, đoàn thể Công đoàn còn tổ chức mừng sinh nhật cho công chức hoặc họp mặt mừng ngày phụ nữ (nếu là nữ); tổ chức thăm hỏi nếu công chức hoặc người thân của công chức không may bị ốm đau hay tai nạn. Bên cạnh đó còn có các tổ chức đoàn thể khác sẵn sàng lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho công chức nếu bị đối xử không công bằng trong cơ quan hay ngoài xã hội. Có thể có vài cá nhân, đương sự cá biệt hung hăng, quá khích mà nặng lời làm tổn thương tinh thần của công chức trong thi hành công vụ. Nhưng người làm công chức có niềm vui phục vụ nhân dân, vẫn còn hàng vạn người dân khác đang thấu hiểu, thông cảm.

Cũng có thể công chức mặc cảm hay khó chịu với cụm từ “đầy tớ”, đúng như cách nhìn nhận trong bài “Cần nghiên cứu về “nghề công chức”” của tác giả Lê Minh Tiến - Giảng viên xã hội học (đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 09 - 8 - 2008). Nhưng là “đầy tớ” của dân tộc, của nhân dân được Bác Hồ gọi một cách trân trọng để nói lên đức tính cao quý của người cán bộ cách mạng. Đó chẳng phải là niềm vui sao? Ở phương Tây, họ vẫn ghép các danh từ servant (người hầu) hoặc service (sự hầu hạ) với civil (công dân) hay public (công cộng) thành các từ có nghĩa công chức (civil service hay public servant - tiếng Anh).

Có thể không ít công chức đã từng trải qua nhiều áp lực công việc trong cơ quan nhà nước, nhưng nó khác hẳn áp lực như khi họ bước chân ra làm bên ngoài. “Công chức” ở hầu hết các công ty kinh doanh thường phải chủ động giải quyết công việc một mình vì “sếp” và đồng nghiệp cũng đang chạy theo doanh số của công ty. Đó là lý do các công ty luôn đưa ra điều kiện “có khả năng làm việc độc lập” khi tuyển dụng. Đến cuối tháng, cuối quý nhân viên các nơi này mới được xem là đạt hay không đạt yêu cầu của sếp. Nếu không thích hợp với môi trường làm việc độc lập của bên ngoài, công chức nhà nước sau khi chuyển việc sẽ bị hụt hẫng nhiều hơn trong các tình huống xử lý công việc.

Trên hết, trong cơ quan nhà nước, công chức luôn có được điều kiện tốt để học tập và rèn luyện đạo đức cá nhân. Khi có nguy cơ sa ngã vì những cám dỗ của dòng đời, họ có thể được tổ chức nhắc nhở, giáo dục. Ngoài ra, công chức còn được hưởng nhiều quyền lợi chính trị, một lợi ích bền vững lâu dài mà trước mắt có thể họ chưa cảm nhận hết được. Đảng, Nhà nước và xã hội vẫn luôn dành cho con cái, người thân và gia đình của công chức những tình cảm sâu sắc và sự ưu đãi xứng đáng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với công việc cao quý hàng ngày là được phục vụ nhân dân, mỗi công chức cần nhìn nhận kỹ càng hơn mọi khía cạnh của bản chất công việc, niềm hạnh phúc lớn lao mà mình đang có. Đồng thời, nên ý thức được khả năng của bản thân có phù hợp không với một công việc bên ngoài trước khi rời bỏ một nơi lý tưởng. Chắc chắn trong một tương lai không xa, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành những chính sách tốt hơn đối với công chức. Đến lúc đó, hy vọng xã hội cũng sẽ chính thức công nhận công chức là những người đang làm một “nghề công chức” cao quý thực sự.

DANH QUỐC CƯỜNG

Chia sẻ bài viết