24/03/2018 - 09:59

Công bố Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(CT)- Ngày 23-3, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15-1-2018). Điều chỉnh quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á; đồng thời, phát triển ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước; phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang đặc thù của vùng ĐBSCL nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê Công.

Về quy hoạch cấu trúc không gian, căn cứ vào đặc điểm địa lý lãnh thổ đặc thù trong vùng, tác động của biến đổi khí hậu, các định hướng chiến lược phát triển chính của quốc gia và mô hình phát triển vùng, vùng ĐBSCL được phân thành 3 tiểu vùng với các trục kết nối vùng. Các tiểu vùng gồm: tiểu vùng ngập sâu (một phần các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang, thuộc vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên); tiểu vùng giữa đồng bằng (TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và một phần các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An); tiểu vùng ven biển (các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và một phần các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An).

Các trục kết nối chính có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển trong vùng, gồm: các trục chính hướng Đông Bắc - Tây Nam (cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh - N2, đường ven biển Đông); các trục chính hướng Tây Bắc - Đông Nam (cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, trục dọc Sông Hậu đi qua Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng). Trong đó, các trục đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu có vai trò là các trục xương sống của toàn vùng.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết