09/07/2018 - 07:03

Côn trùng sắp trở thành món ăn phổ biến ở phương Tây 

Bài toán khủng hoảng lương thực trên thế giới có thể được giải quyết nhờ ngành chăn nuôi côn trùng làm thực phẩm, bao gồm châu chấu và dế.

Dế chiên. Ảnh: Depositphotos
Dế chiên. Ảnh: Depositphotos

Bắt nguồn từ việc thu nhập bị giảm sút, cách đây 7 tháng, Kirsi và Jouko Siikonen ở phía Nam Phần Lan đã chuyển đổi nông trại 1.200 con heo thành nơi nuôi dế để làm thực phẩm. Năm nay, nông trại dế của họ dự kiến cho sản lượng 1,5 tấn, trong đó phần lớn sẽ là thành phần để sản xuất nhiều sản phẩm từ sôcôla và bánh mì crispbread cho đến các thanh snack và bánh granola điểm tâm sáng.

Khi thu hoạch, dế được đông lạnh tại nông trại và vận chuyển đến EntoCube, cơ sở chế biến côn trùng ở thành phố Espoo. Tại đây, dế được rửa sạch, luộc sơ và để khô ráo, rồi xay nhuyễn thành bột trước khi đóng gói. Cặp đôi trên tìm hướng đi mới một tháng sau khi Chính phủ Phần Lan cho phép kinh doanh côn trùng 6 chân hồi tháng 11-2017. Hiện có khoảng 20 nông trại nhỏ nuôi dế ở Phần Lan. Ngoài ra, khoảng 200 nông dân khác ở nước này cũng thích thú với chuyện kinh doanh côn trùng sau khi hoạt động chăn nuôi của họ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của Nga, giá thịt giảm và hiện tượng thời tiết cực đoan.

Nhờ sử dụng ít đất và phát lượng khí thải nhà kính nhỏ hơn so với chăn nuôi gia súc, nên xu hướng nuôi côn trùng sẽ rộ lên khi dân số thế giới tăng cao ảnh hưởng đến các nguồn thực phẩm khan hiếm trên toàn cầu. Tạo ra 1kg dế chỉ tốn chưa đến 1/5 thức ăn chăn nuôi mà gia súc cần để tạo ra lượng thịt bò tương đương, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, côn trùng đòi hỏi ít nước hơn và chúng không cần bổ sung kháng sinh hoặc hoóc-môn tăng trưởng.

Hiện có khoảng 1.900 loài côn trùng được tìm thấy trong các chế độ ăn truyền thống, bao gồm một số thị trường lớn nhất là Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và Peru. Hiện nay, côn trùng cũng xuất hiện dưới dạng thực phẩm trên khắp châu Âu và châu Mỹ cũng như trong các sản phẩm lạ mắt và cả thực đơn nhà hàng. Chẳng hạn như nhà hàng Ultima ở Thủ đô Helsinki khai trương gần đây, hai đầu bếp hàng đầu Phần Lan chế biến các bánh tạc nhỏ với bề mặt được phủ lên sốt nấm và dế chiên. Cách đó không xa, nhà hàng Fat Lizard thì dành cho thực khách món dế chiên ngập dầu kèm với bánh taco mềm, chanh, ớt, ngò rí và kem fraiche. Phần lớn đều vô vị, nên dế nuôi dễ trở thành phụ gia cho các món như xúc xích, bánh quy, bánh muffin, tàu hủ và thậm chí là kem. Ngoài ra, bột dế chứa prôtêin nhiều hơn bột mì dùng làm bánh mì. Nhiều người thường sợ ăn nguyên con dế, nhưng mọi chuyện đã khác khi côn trùng được xay thành bột.

Thị phần côn trùng tăng mạnh

Thị trường tiêu thụ côn trùng ăn được trên toàn cầu có thể tăng gấp 3 lần trong 5 năm tới, lên hơn 1,1 tỉ USD, theo công ty nghiên cứu thị trường Meticulous Research tại Ấn Độ. Sản lượng dế cũng đã tăng đáng kể từ cuối năm 2017 khi ngành công nghiệp này thu hút đầu tư mới và viễn cảnh nhu cầu côn trùng thực phẩm cải thiện, theo giám đốc nghiên cứu Arun Nirmal của hãng tư vấn Arcluster (Singapore). Với những thay đổi quy định dự báo sẽ giúp côn trùng rộng đường lên bàn ăn ở châu Âu, các siêu thị cũng đang háo hức. Siêu thị Metro AG của Đức hiện bán các loại mì được làm từ côn trùng, trong khi các cửa hàng Carrefour SA ở Tây Ban Nha cho lên kệ 10 thực phẩm chứa côn trùng bao gồm thanh năng lượng dinh dưỡng thực phẩm và bánh granola.

 Tuy nhiên, nuôi dế làm thực phẩm ở châu Âu và Bắc Mỹ tốn kém hơn so với châu Á. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, 1kg dế tươi dao động trong khoảng 23- 46 USD, so với chỉ gần 6 USD ở Thái Lan, nơi có đến 20.000 nông trại.

Côn trùng thực phẩm là "siêu thực phẩm", theo Massimo Reverberi, nhà sáng lập cơ sở Bugsolutely ở xứ Chùa Vàng, vốn chế biến mì từ bột dế và món ăn vặt làm từ con tằm cho thị trường Trung Quốc. Côn trùng, hiện là một phần trong chế độ ăn của 2 tỉ người, chủ yếu tại châu Á, được dự báo sẽ có mặt trên các bàn ăn nhiều hơn. Nhận thức ngày càng cao về vấn đề sức khỏe và thay đổi trong việc tiêu thụ thực phẩm giàu prôtêin sẽ khiến thị trưởng côn trùng thực phẩm trên toàn cầu tăng trưởng mạnh. Côn trùng là nguồn cung cấp chất béo, đóng vai trò thiết yếu đối với hệ sinh thái thực vật cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người. Các cơ quan chức năng, bao gồm Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), đã xác nhận vô hại khi ăn côn trùng. Trong đó, châu chấu và dế chứa nhiều prôtêin, vitamin và axít amino.

THANH BÌNH (Theo Bloomberg, financialreporting24)

Chia sẻ bài viết