07/10/2015 - 20:45

Đồ chơi an toàn cho trẻ

Còn thiếu những sản phẩm chất lượng

Gần đây, tai nạn từ các món đồ chơi ngày càng nhiều, thậm chí có những tai nạn cướp đi cả tính mạng của trẻ nhỏ đã gây hoang mang cho không ít phụ huynh. Phần lớn các loại đồ chơi này có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Nhưng điều đáng quan tâm là các bậc phụ huynh rất khó tìm đồ chơi hàng sản xuất trong nước. Chọn được một món đồ chơi an toàn, không độc hại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một điều không dễ…

* Đồ chơi Việt Nam sản xuất: Khó tìm!

 Ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm hơn về chất lượng sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Vương quốc đồ chơi trẻ em My Kingdom.

Chị Phan Thị Lan Anh, đường 3 Tháng 2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: "Tôi nghe nói nhiều loại đồ chơi của Trung Quốc độc hại cho trẻ nhỏ nên tôi cũng cẩn trọng hơn khi lựa chọn đồ chơi cho con. ưu tiên những dòng sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, đặc biệt những sản phẩm sản xuất trong nước. Nhưng sản phẩm đồ chơi của Việt Nam sản xuất hiện rất ít, mẫu mã kém đa dạng, điểm bán cũng hạn chế, chủ yếu bán tại các nhà sách hoặc siêu thị lớn".

Tại khu kinh doanh đồ chơi trẻ em ở Siêu thị Big C Cần Thơ, đồ chơi trẻ em được bày bán rất đa dạng với nhiều chủng loại, giá cả cho các lứa tuổi khác nhau. Tại đây, các bé thỏa thích mua sắm các loại thú bông, đồ chơi dùng pin, đồ chơi xếp hình, búp bê… và hầu hết các sản phẩm đều xuất xứ từ Trung Quốc và tất cả các sản phẩm đều có chứng nhận hợp quy (CR) cũng như nhãn phụ xuất xứ hàng hóa. Trong khi đó, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một vài món đồ chơi do Việt Nam sản xuất. Đó là bộ sản phẩm nhà bếp bằng nhựa với khoảng 10 món đồ (nồi, bếp, ấm, ly…), giá 89.000 – 99.000 đồng/bộ. Tại các siêu thị khác như: Co.opmart Cần Thơ, Metro Hưng Lợi, Vinatex, Vinmart… sản phẩm đồ chơi trẻ em hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc. Đặc biệt, tại các cửa hàng kinh doanh sỉ và nhỏ lẻ trên thị trường, gần như không có hàng Việt Nam sản xuất. Điều đáng nói ở đây, không ít trẻ nhỏ gặp tai nạn thương tâm khi sử dụng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, như: pin trong ô tô đồ chơi phát nổ, nhựa nở hít phải gây co giật, búp bê trái cây có chất gây vô sinh, lựu đạn nhựa nhưng gây nổ thật và mới đây là vụ việc đạn cao su từ món đồ chơi bắn vào khí quản làm trẻ tắc đường thở dẫn đến tử vong…

Gần đây, loại đồ chơi "thông minh" sản xuất tại Trung Quốc được thu âm sẵn tiếng Việt tiếp tục là một cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Các sản phẩm này có cảm ứng, thực hiện đa chức năng, như: phát nhạc, kể chuyện, ru ngủ, dạy trẻ đánh vần… và được thiết kế khá bắt mắt với nhiều màu sắc sặc sỡ như: mèo máy Doraemon, chú chó Talking Ben, Cmtoys, điện thoại, gối… giá từ 90.000 – 180.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi mua về cho con chơi, nhiều phụ huynh mới "giật mình" với nội dung phản cảm từ những món đồ chơi này. Chẳng hạn, chú mèo máy Doraemon dạy cho trẻ "tự tử" bằng cách: "Chúng ta thà chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng. Thà chết! Thà chết quách một lần cho rồi. Ta đâm đầu xuống đất tự tử đi…". Hay nội dung của câu chuyện "Con thỏ và con cọp" của chiếc điện thoại đồ chơi Cmtoys: "Con thỏ đang chạy trong rừng nhìn thấy chó sói hút heroin. Thỏ nói: Anh sói ơi hãy nghe em từ bỏ chất độc hại đó, đi với em quanh rừng sẽ thấy nhiều cảnh đẹp lắm! Cả hai đang chạy thì gặp con cáo đang hút á phiện….". Nhiều phụ huynh cho rằng thấy các cửa hàng bán giới thiệu, khi mua cũng chỉ nghe thử hàng chứ không nghe hết nội dung nên không lường trước được.

* Vi phạm tràn lan

TP Cần Thơ gần như chỉ là thị trường phân phối và tiêu thụ các sản phẩm đồ chơi trong và ngoài nước. Sản phẩm bày bán kinh doanh tại các cửa hàng tuy nhiều chủng loại nhưng với số lượng mỗi loại hàng hóa rất ít, rất khó để ngành chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra. Vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TC ĐL CL) Cần Thơ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cùng phối hợp với cơ quan liên ngành hữu quan đã tổ chức kiểm tra chất lượng và ghi nhãn đồ chơi trẻ em Tết Trung thu năm 2015 ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng, Cờ Đỏ và Thới Lai. Sau khi kiểm tra tại 17 cơ sở kinh doanh, có 16/17 cơ sở có nhãn hàng hóa chưa đầy đủ theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ về nhãn hàng hóa. Hình thức vi phạm chủ yếu là thiếu thông tin về thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn, không có nhãn phụ tiếng Việt. Có 15/17 cơ sở còn sản phẩm đồ chơi chưa gắn dấu hợp quy CR theo quy định tại Thông tư 18/2009/TT-BKHCN ngày 26-6-2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Đoàn cũng phát hiện 2 cơ sở còn kinh doanh các sản phẩm đồ chơi trẻ em kích động bạo lực không được phép lưu thông trên thị trường như: kiếm, súng, đao, cung nhựa… Đợt này, đoàn kiểm tra đã lấy 15 mẫu tại 12 cơ sở kinh doanh gởi Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 để thử nghiệm (đang chờ kết quả).

Ngày càng có nhiều cơ sở trong nước quan tâm sản xuất đồ chơi trẻ em. Chẳng hạn như hãng nhựa Chợ Lớn tham gia sản xuất xe đạp, bộ xếp hình… cho trẻ nhỏ. Công ty gỗ Đức Thành sản xuất các loại đồ chơi làm bằng gỗ theo qui trình an toàn, màu sắc bắt mắt, nước sơn không độc hại cho trẻ khi sử dụng. Riêng dòng sản phẩm dành cho trẻ dưới 3 tuổi, (sản phẩm khá hiếm ở thị trường đồ chơi trẻ em) với thiết kế hình khối đa dạng, dễ dàng tháo lắp, phù hợp với sự phát triển tư duy theo từng lứa tuổi của trẻ như: bộ lắp ráp rô – bốt, đàn xylophone, cân thăng bằng, xe tập đi, dây xỏ hạt, tranh ghép, đồng hồ king kong, bảng ghép số, bộ xây dựng, bộ xếp hình các phương tiện giao thông, bộ trái cây, bộ hình học,… giá từ 49.000- 520.000 đồng/sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chi cục Phó Chi cục TC ĐL CL, cho biết: "Qua đợt kiểm tra cho thấy tỷ lệ vi phạm hầu hết là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Phần lớn các cơ sở kinh doanh đồ chơi theo dạng qui mô hộ gia đình và kinh doanh đồ chơi trẻ em với nhiều chủng loại khác nhau nhưng với số lượng ít. Bên cạnh đó, hàng hóa được lấy thông qua nhiều nhà phân phối trung gian khác nhau, các cơ sở kinh doanh chưa có thói quen yêu cầu nhà phân phối cung cấp hồ sơ chứng nhận hợp quy liên quan đến hàng hóa. Hầu hết các loại đồ chơi nhập khẩu nhãn phụ có thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng chưa rõ ràng và đầy đủ theo quy định, nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ nhỏ bao bì không phù hợp theo quy định như còn quá mỏng, không đục lỗ (tránh trường hợp ngạt ở trẻ nhỏ)…". Theo các cơ quan chức năng, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm mặt hàng này thấp, chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, trong xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa, mức phạt thấp nhất từ 100.000 đồng và cao nhất là 100 triệu đồng. Nhưng do đa số các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố là những cơ sở nhỏ, hàng hóa ít nên nếu có vi phạm thì mức phạt rất thấp. Bên cạnh đó, các điểm bán hàng giờ cũng tinh vi hơn, đó là những loại đồ chơi bạo lực như: súng, kiếm, dao… thường không đem trưng bày, chỉ đem ra khi khách hàng hỏi mua nên rất khó để kiểm tra. Trong khi đó, lực lượng quản lý còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, kinh phí hạn chế nên việc kiểm tra không được thường xuyên.

Theo các cơ quan quản lý, hiện nay người kinh doanh ngày càng có ý thức cao trong việc lựa chọn hàng hóa bán ra thị trường, đó là hàng phải có CR, nhãn phụ xuất xứ hàng hóa… Tuy nhiên, vẫn còn không ít điểm kinh doanh vì hám lợi bán các món đồ chơi độc hại cho trẻ nhỏ. Do vậy, bên cạnh sự quản lý các cơ quan chức năng, các phụ huynh cũng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn đồ chơi cho con bởi chính người tiêu dùng mới là đầu mối thẩm định quan trọng để đẩy lùi hàng kém chất lượng.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết