17/09/2018 - 21:53

Cồn Sơn xanh, thân thiện môi trường 

Với mong muốn đưa cồn Sơn trở thành điểm du lịch xanh, chị Lê Thị Bé Bảy- Chủ sáng kiến “Xây dựng mô hình người dân cồn Sơn hạn chế sử dụng túi ni lông” phối hợp với Tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng cồn Sơn, vận động người dân và du khách đồng hành, hưởng ứng mô hình bằng những việc làm rất thiết thực. Mô hình không chỉ nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân cồn Sơn, mà còn từng bước lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường ra cộng đồng.

Người dân cồn Sơn tham gia hưởng ứng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường thay cho túi ni lông.

Nhờ hội tụ các yếu tố đặc trưng của miệt vườn sông nước, mô hình du lịch cộng đồng cồn Sơn ngày càng thu hút khách du lịch. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân cồn Sơn được nâng lên, kinh tế địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ. Du lịch phát triển, bên cạnh lợi ích kinh tế là những thách thức về môi trường: rác thải tăng, chủ yếu là bọc ni lông. Đó là mối nguy đe dọa đến mô hình du lịch cộng đồng cồn Sơn. Thực tế này đã thôi thúc chị Lê Thị Bé Bảy, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy- người có thâm niên gắn bó với việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở cồn Sơn- nảy ra sáng kiến thực hiện Mô hình “Xây dựng mô hình người dân cồn Sơn hạn chế sử dụng túi ni lông" nhằm bảo vệ cảnh quan và môi trường của cồn Sơn. Để mô hình đi vào thực tiễn, chị Lê Thị Bé Bảy, vận động các chuyên gia cùng các nhà tài trợ tổ chức hội thảo tuyên truyền mô hình; đồng thời, phổ biến tác hại của việc sử dụng túi ni lông đối với môi trường và sức khỏe của người dân, từ đó, đưa ra các giải pháp, từng bước xây dựng cho người dân cồn Sơn thói quen sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay túi ni lông.

Mô hình đã nhận được sự đồng hành cam kết của 22 hộ dân làm du lịch và phần đông người dân đang sinh sống cồn Sơn. Nhiều hộ dân đã sử dụng các loại giỏ xách, keo thủy tinh, hộp nhựa, túi giấy, túi vải không dệt và túi ni lông tự phân hủy để đựng đồ ăn, thức uống… thay cho túi ni lông. Bà Phan Kim Ngân (tên thường gọi là Bảy Muôn), chủ nhà vườn Công Minh ở cồn Sơn, cho biết: “Nhà vườn Công Minh được du khách gần, xa biết đến, bởi các món đặc trưng như bánh xèo, bánh khọt và nổi tiếng với “búp-phê” bánh dân gian: bánh bò, bánh đúc, bánh da lợn, bánh chuối, bánh khoai mì đa sắc. Bánh dân gian của nhà vườn Công Minh không chỉ hấp dẫn du khách bởi các loại nguyên liệu chế biến từ “cây nhà lá vườn” mà còn ở cách bài trí bắt mắt. Trước đây, hầu hết các loại bánh dân gian được bài trí trên dĩa sành và được che đậy bởi màng bọc thực phẩm hoặc bài trí trên nia bằng tre, có lót lá chuối bên dưới để khách hàng thưởng thức tại chỗ. Riêng du khách có nhu cầu mang đi, chủ vườn sẽ gói bánh vào lá chuối và bọc thêm chiếc túi ni lông cho khách”. Khi Mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông được phát động với mục tiêu và ý nghĩa thiết thực, cô Bảy Muôn tiên phong tham gia bằng những việc làm cụ thể. Chẳng hạn, trong sinh hoạt hằng ngày, cô Bảy Muôn đã sử dụng giỏ xách đi chợ mua hàng. Còn trong kinh doanh, khi du khách có nhu cầu mang bánh đi, cô Bảy Muôn sẽ gói từng loại bánh vào chiếc lá chuối và sắp xếp chúng chỉ trong một cái túi giấy hay túi vải... Ý thức loại dần chiếc túi ni lông ra khỏi đời sống của cô Bảy Muôn không chỉ tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách khi đến với cồn Sơn mà còn đưa mô hình ngày càng lan tỏa sâu rộng ra cộng đồng.

Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, cho biết: Trước đây, bè cá Bảy Bon chủ yếu là nuôi cá thương phẩm theo quy trình GAP, nhưng gần đây, khi du lịch cồn Sơn phát triển, ngày càng có nhiều du khách thích thú với mô hình nuôi cá trên bè nổi. Từ đây, bè cá Bảy Bon bắt đầu cải thiện, thiết kế cầu và đường dẫn lên bè, đảm bảo an toàn cho khách tham quan; không chỉ vậy, bè cá Bảy Bon còn đầu tư nuôi nhiều loại cá hô, cá lăng, cá trê hồng, cá Koi ngũ sắc...; đồng thời, triển khai huấn luyện kỹ thuật cho cá Mê Gỗ bay và bắn nước để tạo điểm nhấn, đặc trưng thu hút du khách đến với bè cá Bảy Bon. Theo ông Lý Văn Bon, việc triển khai mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông, giữ cho môi trường cồn Sơn xanh-sạch- đẹp là việc làm thiết thực, ý nghĩa và kịp thời. Theo đó, bè cá Bảy Bon tích cực tạo cảnh quan sạch, đẹp cho môi trường xung quanh...; cam kết đồng hành, tham gia đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của mô hình, thúc đẩy việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân cồn Sơn…

Chị Lê Thị Bé Bảy cho biết: “Thời gian triển khai mô hình diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 12-2018, với tổng kinh phí gần 240 triệu đồng, do Ban Quản lý ODA TP Cần Thơ và Vietravel chi nhánh Cần Thơ tài trợ. Để Mô hình được lan tỏa sâu rộng, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan quản lý, công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và các chủ ghe tàu neo đậu hoạt động gần cồn Sơn hưởng ứng mô hình. Song song đó, vận động nhiều đơn vị tài trợ, trao tặng các sản phẩm thân thiện môi trường, như: keo thủy tinh, giỏ xách, túi vải, túi phân hủy... đến các hộ dân làm du lịch và người dân đang sinh sống ở cồn Sơn; đồng thời, hướng dẫn hộ dân làm du lịch khuyến khích và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường để đựng đồ ăn, thức uống... thay cho túi ni lông. Qua đó, mô hình không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi ni lông cho người dân mà còn lan tỏa những cách làm hay trong cải thiện môi trường, từng bước xây dựng cồn Sơn thành điểm du lịch xanh, thân thiện môi trường trong lòng du khách”.

Bài, ảnh: M.HOA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cồn Sơn