23/12/2009 - 20:59

Quy hoạch và quản lý quy hoạch

Còn nhiều quy định chồng chéo

Quy hoạch chậm thực hiện sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.
Trong ảnh: Quy hoạch công viên bờ kè Xóm Chài, quận Cái Răng.

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời đảm bảo các quyền về sử dụng đất của người dân trong vùng quy hoạch. Thế nhưng, do còn một số nội dung của các văn bản chưa được thực hiện, hoặc vận dụng thực hiện chưa đúng; một số văn bản chồng chéo... gây nhiều khó khăn cho các cấp quản lý, cũng như người dân trong vùng quy hoạch.

Có thể nói, khung pháp lý liên quan đến quy hoạch chi tiết khá hoàn chỉnh. Cơ sở quan trọng nhất là Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện hai luật này. Ngoài ra, UBND thành phố, các sở chuyên ngành có liên quan cũng ban hành nhiều quyết định, chỉ thị, hướng dẫn để cụ thể hóa việc thực hiện các văn bản của Trung ương trên địa bàn thành phố.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế- Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Cần Thơ, đại biểu HĐND thành phố, cho rằng thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện khá tốt công tác cải cách hành chính liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch trên địa bàn. Tuy nhiên nếu nghiên cứu sâu sẽ thấy còn một số văn bản ban hành giữa các cơ quan thẩm quyền còn chồng chéo nhau; thậm chí có cơ quan còn ban hành văn bản nội dung chưa phù hợp với pháp luật. Cụ thể: Quy hoạch Trung tâm Văn hóa Tây Đô ở quận Cái Răng được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2005, nhưng đến nay mới thực hiện được khu tái định cư. Dự án kéo dài, người dân rất bức xúc. Ngay sau quy hoạch được công bố ít lâu, UBND quận Cái Răng có Thông báo số 4 ngày 1-8-2005 với nội dung không cho chuyển nhượng, tách thửa đối với đất và không cho xây dựng mới đối với nhà. Trong khi đó, Chỉ thị số 18/2005/CT-UBND về tổ chức lập, thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn thành phố cho người dân thực hiện các quyền khi nằm trong vùng quy hoạch, như: được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được chuyển quyền sử dụng đất,... Quyết định số 02/2006/QĐ-UBND ngày 9-1-2006 của UBND thành phố cũng có nội dung cho người dân xây dựng nhà tạm trong vùng quy hoạch. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người dân. Đó là chưa kể, theo quy định thì cấp quận, huyện không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật hạn chế quyền của người dân. Anh Nguyễn Thanh Dũng, một người dân ở khu vực 10, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cho biết: “Cha mẹ tôi có 4 công đất vườn nằm trong quy hoạch Trung tâm Văn hóa Tây Đô. Quy hoạch gần 5 năm mà đến này vẫn chưa thấy cơ quan chức năng bồi thường thiệt hại gì hết. Cha mẹ tôi muốn cho tôi một phần đất để ra riêng, nhưng không thực hiện được vì quy định của quận không cho phép tách thửa”.

Ông Mai Văn Nam nói: “Chính sự chồng chéo của các văn bản pháp lý đã dẫn đến việc vận dụng của cán bộ quản lý cấp cơ sở rất lúng túng. Còn người dân cũng mơ hồ về quyền và nghĩa vụ của mình trong vùng thực hiện quy hoạch. Tôi phỏng vấn trực tiếp 10 người dân về quyền và nghĩa vụ của người dân, thì 10 người đều hiểu khác nhau về chủ trương, chính sách có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ. Theo tôi, hạn chế này là cho các cơ quan chức năng chưa công khai, minh bạch các văn bản liên quan đến quy hoạch”.

Việc thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ các quy định của thành phố cũng gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch. Trong đó, đáng chú ý là nội dung cắm mốc quy hoạch xây dựng ngoài thực tế khi đã công bố quy hoạch. Theo Quyết định số 01/2006/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc ban hành Quy định về quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP Cần Thơ, UBND thành phố đã giao cho Sở Xây dựng thực hiện cắm mốc quy hoạch xây dựng các đồ án quy hoạch do UBND thành phố phê duyệt. Theo đó, nội dung cắm mốc quy hoạch xây dựng ngoài thực địa bao gồm: chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, ranh giới vùng cấm xây dựng thời gian “chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày quy hoạch xây dựng được công bố”. Thế nhưng, trên thực tế thì việc này chưa được thực hiện nghiêm túc. Ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết: Các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn quận đều chưa được cắm mốc nên việc quản lý cấp phép xây dựng gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, trên thực tế, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương không xác định được chính xác các thửa đất của chủ đầu tư xin xây dựng có nằm trong các khu chức năng (đường giao thông, công viên,...) hay không.

Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, thừa nhận: Các thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, gây mất thời gian cho nhà đầu tư khi tiến hành triển khai dự án. Một số cơ quan chức năng ban hành văn bản thì không giám sát quá trình thực hiện, dẫn đến việc các văn bản chồng chéo mà không kịp thời điều chỉnh, kiến nghị điều chỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, nói: “Vừa qua, thành phố đã có nhiều văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nếu thực hiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố, sở, ngành thì quyền của người dân được đảm bảo. Nhưng trên thực tế, các phường, xã, do nhận thức chưa đầy đủ, không hiểu hết vấn đề từ đó vận dụng sai chính sách, hạn chế quyền lợi của người dân”. Đồng chí Phó Chủ tịch cũng cho biết thêm, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành chức năng rà soát việc thực hiện các quy định, chính sách đối với người dân trong vùng quy hoạch. Nơi nào thực hiện sai sẽ sớm chấn chỉnh, đảm bảo quyền lợi cho dân; đồng thời, qua đó sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi những quy định chưa phù hợp thực tế. Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan, giúp cán bộ cơ sở và người dân hiểu, thực thi đúng quyền lợi, nghĩa vụ của mình...

Bài, ảnh: THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết