02/10/2012 - 09:09

Còn nhiều bất cập trong phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

Bà Trần Thị Xuân Mai hỏi học sinh
cách rửa tay sạch.

Trong hai ngày 26 và 27-9, Ban văn hóa - xã hội, Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ đã khảo sát tình hình phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) tại các quận: Bình Thủy, Ninh Kiều, Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh. Qua khảo sát thực tế, cho thấy chính quyền các địa phương và ngành giáo dục luôn quan tâm đến phòng chống dịch bệnh… nhưng vì sao số trẻ mắc bệnh TCM, SXH vẫn tăng?

* Trang bị kiến thức phòng chống bệnh

Qua phỏng vấn ngẫu nhiên, hầu hết các giáo viên và học sinh đều có kiến thức phòng, chống bệnh SXH và TCM. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa, Trường Mầm non Thốt Nốt cho biết: "Các cô giáo đều được tập huấn về bệnh TCM và SXH. Để phòng chống bệnh TCM, giáo viên hướng dẫn các em rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau sàn nhà, đồ chơi, đồ dùng cá nhân bằng nước sát khuẩn. Với bệnh SXH, giữ cháu không bị muỗi cắn. Khi đón các cháu vào lớp, giáo viên kiểm tra xem cháu có sốt không, có các dấu bóng nước ở lòng bàn tay, chân, miệng… Nếu có báo với phụ huynh đưa cháu đi khám bệnh, liên hệ với phụ huynh để xem cháu có bị SXH, TCM không để vệ sinh phòng học, đồ chơi, tránh lây bệnh cho các cháu khác". Các em học sinh cũng có những kiến thức cơ bản về bệnh, em Nguyễn Trọng Lộc, lớp lá 2, Trường Mầm non Thốt Nốt, quận Thốt Nốt cho biết: "Cô giáo dạy chúng em rửa tay bằng xà phòng có 6 bước để phòng chống bệnh TCM. Cô cũng nói muỗi cắn gây bệnh SXH". Nói xong Lộc thực hành rửa tay 6 bước rất thuần thục.

Không riêng gì các trường công lập, ở các nhóm trẻ gia đình ngoài công lập, các cô giáo cũng nắm được các kiến thức cơ bản về bệnh TCM và SXH. Cô giáo chủ nhóm trẻ gia đình ấp Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh cũng hàng tuần ngâm rửa đồ chơi, đồ dùng của trẻ với nước có pha cloramin B, kiểm tra sức khoẻ của cháu đầu và cuối ngày học để phát hiện bệnh kịp thời. Khi các cháu ngủ trưa, cô dùng một mùng lớn giăng cho các cháu ngủ để phòng muỗi cắn.

Qua kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ nhận xét: "Qua khảo sát, hầu hết giáo viên và học sinh có kiến thức phòng chống bệnh TCM và SXH. Tuy nhiên, kiến thức phòng chống TCM, các cô giáo nắm rõ hơn với bệnh SXH. Qua kiểm tra, nhiều dụng cụ chứa nước ở các trường có lăng quăng. Vì thế, nhà trường cũng nên lưu ý loại bỏ các vật phế thải như lu, hũ… các thùng nước, hồ nước phải có nắp đậy để tránh muỗi đẻ trứng, phát triển thành lăng quăng và muỗi, gây bệnh SXH". Bà Trần Thị Xuân Mai, Trưởng ban Văn hóa - xã hội cho biết: "Khi hỏi một số giáo viên, nếu học sinh trong lớp bị bệnh thì giáo viên làm thế nào? Nhiều cô giáo lúng túng, chưa biết cách nhận biết bệnh và quan tâm phòng chống bệnh cho các học sinh còn lại không mắc bệnh. Có những lớp có mùng cho các cháu ngủ nhưng cô giáo không giăng mùng. Các trường, các nhóm trẻ gia đình có lưu mẫu thức ăn nhưng lưu chưa đúng quy định, chưa ghi rõ thời gian lưu mẫu, niêm phong mẫu…". Đoàn giám sát cũng phát hiện có trường có cháu bị bệnh nhưng ban giám hiệu không nắm được.

* Vì sao dịch SXH vẫn tăng ?

Theo báo cáo của 4 Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện: Bình Thủy, Ninh Kiều, Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh, tình hình bệnh TCM và SXH đều tăng so với cùng kỳ năm 2011. Có những quận, huyện tăng rất cao so với cùng kỳ. Chẳng hạn như quận Ninh Kiều, từ đầu năm 2012 đến ngày 31-8-2012, phát hiện 208 ca TCM, tăng gấp đôi so với cùng kỳ; riêng với SXH, toàn quận có 187 ca mắc SXH, tăng 71 ca so với cùng kỳ (tăng 70%). Mặc dù theo báo cáo, hầu hết các quận, huyện đều tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết; phòng chống bệnh tay chân miệng; giám sát và xử lý ổ dịch nhỏ; tuyên truyền qua hệ thống loa, đài, phát tờ rơi, tập huấn… nhưng số trẻ mắc bệnh vẫn tiếp tục tăng. Ông Võ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, thắc mắc: "Chúng tôi xác định phòng bệnh quan trọng hơn trị bệnh, nếu không chủ động phòng khi dịch bệnh xảy ra thì rất khó dập dịch. Quận đã làm mọi cách nhưng không hiểu sao số trường hợp bị TCM và SXH vẫn không hề giảm? đặc biệt với bệnh SXH, nhiều năm tuyên truyền nhưng bệnh vẫn tăng".

Lý giải tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: "Muỗi truyền bệnh SXH sống trong nhà dân. Muỗi đẻ trứng trong nước trong. Vì thế, từng hộ dân phải thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng, đậy lu, khạp chứa nước, loại bỏ vật phế thải có thể chứa nước… thì mới ngăn chặn được dịch SXH. Hộ này làm mà hộ khác không làm thì không ngăn chặn được dịch".

Các đơn vị y tế cũng phản ánh, chỉ có một số quận, huyện có đầu tư cho phòng, chống dịch bệnh nên nguồn lực không đủ, xử lý ổ dịch nhỏ (bệnh TCM) không có kinh phí xử lý.

Theo phản ánh của các Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện khi ra quân thực hiện các chiến dịch phòng chống dịch bệnh, đa số chỉ có cán bộ y tế và cộng tác viên, chính quyền ấp tham gia... thiếu vắng lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể nên đi vãng gia không xuể. Từ đó có tình trạng cán bộ tuyên truyền không đi giáp các nhà dân, không kiểm tra hết các dụng cụ chứa nước, vì thế dịch bệnh không giảm. Theo các bác sĩ dự phòng thì nguyên tắc đi vãng gia với bệnh SXH là không bỏ sót nhà, không bỏ sót các vật chứa nước... nhiều trạm y tế phương tiện kiểm tra lăng quăng là đèn pin, nhưng có trạm y tế chỉ có 4 đèn pin thì làm sao kiểm tra dụng cụ chứa nước cho xuể. Kinh nghiệm ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt là huy động lực lượng các đoàn thể và tập huấn trang bị kiến thức để họ tham gia đi vãng gia, phòng chống dịch. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: "Các địa phương thường xuyên làm chiến dịch nhưng hiệu quả chưa cao là do lực lượng vãng gia quá mỏng, tỷ lệ hộ vắng nhà quá nhiều, kế hoạch triển khai nhưng không xuống trực tiếp kiểm tra, uốn nắn nên hiệu quả không cao. Tôi nghĩ rằng, các địa phương cần huy động thêm các ban, ngành, đoàn thể; chiến dịch tổ chức 2 ngày thì nên có 1 ngày là ngày nghỉ để giảm tỷ lệ hộ dân vắng nhà, UBND phường trực tiếp giám sát để chỉ đạo uốn nắn. Nếu ở quận, huyện có 2,3 phường, xã trọng điểm (số ca mắc SXH nhiều) thì có thể huy động thêm lực lượng ở nơi khác hỗ trợ, đồng thời nâng cao vai trò của các tổ dân phố trong phòng chống dịch".

Bà Trần Thị Xuân Mai cho biết: "Sau đợt giám sát, Ban Văn hóa -xã hội tổng hợp báo cáo cho Thường trực Hội đồng nhân dân để công tác phòng chống dịch trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn".

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết