03/05/2014 - 17:56

Còn mãi với thời gian

Tại Festival Đờn ca tài tử quốc gia, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Còn mãi với thời gian” tri ân hai người con của quê hương Bạc Liêu đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương. Đó là soạn giả Yên Lang và Trọng Nguyễn. Những tác phẩm của họ sống trong lòng người mộ điệu từ hơn 30 năm qua.

Bài 1: “Bậc thầy” cải lương kiếm hiệp

Soạn giả Yên Lang- một nhà thơ viết cải lương và nổi danh với những tuồng kiếm hiệp như: “Máu nhuộm sân chùa”, “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”… NSND Viễn Châu đã dành tặng ông danh xưng “bậc thầy cải lương kiếm hiệp kỳ tình”.

Duyên nợ từ những… ngôi chùa

 

Trích đoạn “Đêm lạnh chùa hoang” do Trọng Phúc – Cẩm Tiên diễn trong đêm “Còn mãi với thời gian”. Đây là một trong những vở cải lương kiếm hiệp kinh điển của soạn giả Yên Lang.
 

“Bảo Xuyên ơi, nhìn em rưng rưng dòng lệ mà lòng anh như uất nghẹn, như đau buốt cả linh hồn. Rồi đây bao nhiêu thương nhớ em xin trao trả lại cho anh đường biên ải xa xăm, quê hương em bụi cuốn mù trời…”. Đoạn Văn thiên tường (lớp dựng) cảnh quận chúa Hồ Bảo Xuyên và tướng Tần Lĩnh Sơn chia tay đã từng lấy nước mắt của bao thế hệ khán giả qua diễn xuất của NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương, nay được đôi nghệ sĩ Trọng Phúc và Cẩm Tiên thể hiện trong đêm nghệ thuật “Còn mãi với thời gian”. Đó là lớp diễn trong vở “Đêm lạnh chùa hoang” của soạn giả Yên Lang. Nỗi niềm của nàng quận chúa Mông Cổ dẫn quân xâm lược Trung Nguyên, vô tình vướng vào tình yêu với một chàng trai Hán quốc và lớp diễn tại ngôi chùa hoang trong đêm ly biệt trở thành kinh điển của cải lương kiếm hiệp.

Bối cảnh ngôi chùa thứ hai đã làm nên tên tuổi của soạn giả Yên Lang trong vở “Máu nhuộm sân chùa”. Cuộc đời của chàng thanh niên Trần Tự Tâm mồ côi cha mẹ trong cuộc tranh quyền đoạt vị được soạn giả đất Bạc Liêu thể hiện sinh động, hấp dẫn. Mở đầu là cảnh truy cùng đuổi tận trước sân chùa và kết thúc là cảnh Trần Tự Tâm sau bao biến cố đã giã từ đao kiếm về bên mái chùa xưa…

Nhiều vở tuồng khác của ông như: “Mùa thu trên Bạch Mã Sơn”, “Khi mùa thu thay lá”, “Người đẹp Tây Thi”… cũng đều tạo được tiếng vang trên sân khấu của các gánh: Kim Chung, Tiếng Chuông Bắc Việt, Dạ Lý Hương, Kim Chưởng… từ hơn 30 năm về trước. Nhờ những nhân vật có cá tính, nhiều đất diễn, lời thoại sắc sảo của ông mà nhiều thế hệ vàng của sân khấu cải lương đã thành danh như: Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ… NSƯT Minh Vương xúc động: “Gần trọn đời đi hát, tôi không sao quên được lời ca đẹp như thơ của Tần Lĩnh Sơn trong vở “Đêm lạnh chùa hoang” của anh Yên Lang: Bảo Xuyên ơi, chúng ta là hai vì sao lạc, là nước đôi dòng, là gió hai phương, nàng có sa mạc quê hương gió cuốn bụi mù, tôi còn sông núi Trung Nguyên hoa vàng lá thắm, loài nhạn từ phương Nam còn chở sầu về biển Bắc… Mỗi nhân vật của anh đều có chiều sâu, thấm đẫm tinh thần nhân văn”.

Nhà thơ viết cải lương

Định cư ở Mỹ đã nhiều năm nhưng lúc nào soạn giả Yên Lang cũng nhớ cố hương. “Xe chạy tới ngã ba Phú Lộc (cách trung tâm TP Bạc Liêu chừng 15km- PV), là tôi đã nghe hơi gió quê nhà, lòng hồi hộp của đứa con xa lâu chưa về thăm mẹ”- ông bày tỏ trong đoạn băng ghi hình vì không thể về tham dự chương trình tôn vinh. Cái tình với quê hương của soạn giả Yên Lang còn thể hiện ở những tác phẩm kinh điển để lại cho đời. Đó là bài ca cổ “Hương nhãn Bạc Liêu”, “Quán nửa khuya”… hay vở “Manh áo quê nghèo” đậm dấu ấn xứ sở “cơ cầu”.

 

Soạn giả Yên Lang còn là thầy của nhiều thầy tuồng tên tuổi. Nổi danh hơn cả chính là con trai của ông – soạn giả Lam Tuyền, người chuyển thể cải lương vở “Lá sầu riêng”; và em trai của ông – soạn giả Nguyên Thảo với vở “Kiếp nào có yêu nhau”…

Soạn giả Yên Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh ra ở Giồng Me, Cầu Kè (nay thuộc phường 2- TP Bạc Liêu). 15 tuổi, ông khăn gói rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Lúc đang học tại Trường Trung học Tân Thịnh (Sài Gòn), ông có duyên may gặp gỡ ký giả Phong Vân và nhà thơ Hoài Ngọc. Vốn sáng tác thơ, được sự khuyến khích của Phong Vân và Hoài Ngọc, ông dấn thân vào lĩnh vực sáng tác cải lương. Trong các tác phẩm của soạn giả Yên Lang lời hát thường là những vần thơ mượt mà.

Soạn giả Yên Lang hoạt động trong nhiều lĩnh vực thơ, văn… nhưng thành công nhất trong vai trò soạn giả. Vở đầu tiên của ông, “Nắng chiều lên cổ tháp” ra đời năm 1960, viết chung với Nguyễn Liêu, được đoàn Song Kiều dàn dựng. Từ đó, ông nổi danh với nhiều vở tuồng kiếm hiệp. NSƯT Minh Vương nhớ lại, những năm 1960, khi thu âm vở “Đêm lạnh chùa hoang”, phải tái bản đến lần thứ tư mà đĩa hát vẫn “đắt như tôm tươi”. Đó là chuyện chưa có tiền lệ ở sân khấu cải lương thời bấy giờ. “Mỗi lời ca, câu thoại trong kịch bản của Yên Lang đến hôm nay đã mấy mươi năm mà khán giả đều thuộc. Vì ông viết bằng cảm xúc chân thật, từ nỗi niềm của chính mỗi người Nam bộ nên nghe qua một lần là đã thuộc” - NSƯT Minh Vương nói.

Kịch bản cải lương của soạn giả Yên Lang thể hiện tinh thần “thượng thiện đả ác”. Ông không bao giờ cho người thiện có kết cục bi ai. Văn phong của ông mộc mạc nhưng chứa đựng tự sự của những con người luôn khao khát tìm kiếm hạnh phúc.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Bài cuối: “Chợ Mới” và những câu vọng cổ chưa bao giờ cũ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đờn ca tài tử