21/03/2018 - 07:21

Con đường hoàn lương 

Trong 5 năm (2012 - 2017), TP Cần Thơ tiếp nhận gần 2.800 người chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú tại địa phương. Phần nhiều trong số họ đã có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng, khép lại quá khứ lầm lỗi để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn...

Đến xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, chúng tôi nghe bà con nhắc đến sự chí thú làm ăn với khát vọng vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống của anh Tô Văn Cọp. Năm 2015, anh Cọp trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng trong sự tự ti, mặc cảm về những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Sự quan tâm, thường xuyên tới lui, thăm hỏi, động viên của chính quyền địa phương, bà con chòm xóm đã giúp anh Cọp dần thoát khỏi mặc cảm về quá khứ. Biết gia cảnh anh Cọp gặp nhiều khó khăn, không ruộng vườn canh tác, sản xuất, Công an xã phối hợp đoàn hội địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh vay vốn làm ăn sinh sống. Với số tiền vay 20 triệu đồng, anh Cọp mua 2 con bò nuôi bán lấy thịt. Nhờ cần cù, siêng năng chăm sóc, cặp bò của anh tăng trưởng  nhanh. Anh Cọp dự định bán lứa bò này, nếu được vay tiếp sẽ mua thêm 4 con bò.

Anh Tô Văn Cọp chăm sóc đàn bò. Ảnh: PHAN TẠI
Anh Tô Văn Cọp chăm sóc đàn bò. Ảnh: PHAN TẠI

Bà Nguyễn Thị Thum, ngụ xã Trung Thạnh cũng có thời lầm lỗi và phải trả giá bằng những tháng ngày sống trong vòng lao lý về tội mua bán người. Nỗi thấp thỏm lo lắng không biết cách nào để đối mặt với gia đình, chòm xóm của bà Thum nhanh chóng tan biến, khi năm 2015 trở về địa phương, bà được gia đình động viên, chính quyền tận tình giúp đỡ. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã trực tiếp liên hệ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ cho bà vay 8 triệu đồng buôn bán, làm ăn. Với số tiền này, bà Thum mở quán nước và đến nay bà đã có thu nhập ổn định. Bà Thum xúc động nói: “Tôi rất cảm ơn chính quyền, lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể địa phương đã quan tâm hỗ trợ vốn làm ăn để tôi có được ngày hôm nay”.

Với vai trò nòng cốt, thời gian qua, lực lượng Công an xã Trung Thạnh chủ động tham mưu Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các hội, đoàn thể xã phối hợp với lực lượng Công an thực hiện mô hình hỗ trợ, vay vốn giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Đồng chí Đỗ Hữu Hiền, Trưởng Công an xã Trung Thạnh, cho biết: “Sau khi tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, chúng tôi phối hợp các hội, đoàn thể rà soát, đến từng nhà đối tượng gặp gỡ động viên, tuyên truyền để họ không tái phạm. Đồng thời tham mưu UBND xã ra mắt mô hình “Hỗ trợ vay vốn cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”, mang lại nhiều kết quả thiết thực”. 

Hiện xã Trung Thạnh có gần 100 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Bằng sự quan tâm của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, phần lớn trong số họ đã có cuộc sống ổn định; được hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn lãi suất thấp để làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, con đường hoàn lương của người chấp hành xong án phạt tù không phải không có rào cản khi một số cơ sở chưa mặn mà trong việc tiếp nhận các đối tượng này vào làm việc. Đồng chí Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh, cho biết: “Thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi sẽ tham mưu cấp ủy chỉ đạo các đoàn thể xã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn tiếp tục cho các trường hợp này được vay vốn ở mức cao hơn; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thu nhận họ vào làm tại các cơ sở, giúp họ có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái phạm tội”.

Quan tâm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, tái hòa nhập cộng đồng, không đi vào con đường cũ là một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đồng thời đó cũng là một giải pháp phòng ngừa hiệu quả phát sinh tội phạm, góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự tại địa phương.

PHAN TẠI

Chia sẻ bài viết