07/01/2018 - 10:07

Còi tàu 

Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY

Tôi thường thấy lòng mình bộn bề mỗi độ gió về. Ngoài sân, cành mai bắt đầu bung những cánh hoa vàng rực rỡ se nồng trong cái nắng cuối năm. Gió nấn ná phía cuối vườn. Gió lướt nhẹ qua cánh đồng mới gặt thoang thoảng hương rơm vụ mùa. Trời trong, vài áng mây lững lờ trôi về cuối đồng xa tít. Hình như chim chóc cũng chuộng tiết trời nửa ấm áp nửa lạnh sắt se, chúng bay về đậu trước sân nhà, trên đám cỏ hay trên đỉnh những cây rơm khô lô nhô giữa đồng, tíu tít rôm rả. Ngồi trong nhà thấy mấy đứa trẻ hàng xóm tụ tập ra đồng bẫy chim, mẹ tôi nói vọng:

- Tết nhứt đến nơi, mấy đứa tha cho lũ chim vô tội đi.

Nghe tiếng mẹ, bọn trẻ thôi không bẫy chim, thay vào đó, chúng rủ nhau ra đồng đốt gốc rạ sau vụ gặt. Cuối năm người ta thường đốt đồng để gốc rạ cháy thành tro bón đất chuẩn bị cho mùa vụ năm sau. Giữa trưa trời nắng, nhìn ngọn khói rạ bay lên lửng lơ giữa đồng, ba tôi vội vã chạy ra xem, sợ mấy cây rơm bén lửa cháy trụi không có thức ăn cho trâu bò khi chờ mùa lúa mới. Tôi ngồi vắt vẻo trên cây ổi sau nhà bày đặt tặc lưỡi: Thiệt là trẻ con mà!

Mẹ tôi hay u buồn vào những ngày sắp Tết. Năm nào cũng vậy, từ khi gia đình tôi rời mảnh đất nghèo ở một vùng quê xa tận miền Trung vào Nam sinh sống. Đến bây giờ tôi vẫn không quên vị hoa cỏ của dải đất quanh năm nắng gió, cùng mùi biển mặn, mùi ngai ngái của những dòng sông bắt nguồn từ trung du cuộn theo màu đất đỏ rồi đổ dần về biển. Tất cả thấm sâu vào tâm hồn tôi. Miền Trung đã xa, căn nhà cũ, mảnh đất cũ cũng đã xa. Gia đình đã sống trọn tám, chín năm trên một miền đất mới mà trước kia tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Miền Nam, những cánh đồng vàng, những dòng sông nhỏ, mùi biển mặn không còn, chỉ có gió sông lồng lộng, vườn cây xào xạc. Giữa cánh đồng có đường tàu sắt chạy qua, một ga xép nhỏ với những hàng quán liêu xiêu bán vài thứ hàng hóa cần thiết cho khách qua đường. Tàu đi trong bình minh và tàu về khi hoàng hôn chín đỏ chân trời. Những ngày giáp Tết, tàu lại càng đông khách hơn. Nhìn những chuyến tàu đông nghẹt hành khách, tôi nghĩ thầm: chắc họ về quê đón Tết, nao nao trong lòng, tôi buột miệng hỏi mẹ:

- Mấy năm rồi mình không về quê đón Tết mẹ nhỉ?

Mẹ im lặng một lúc, đáp bâng quơ:

- Cũng lâu rồi!

Tôi hỏi tiếp:

- Hay năm nay nhà mình sắp xếp về ngoài đó một lần, được không mẹ? Con nhớ xóm làng ngoài đó quá!

Mẹ tôi không trả lời. Mẹ nhìn ra xa, tôi thấy mẹ dụi mắt không biết tại gió hay tại mẹ sắp khóc khi tôi khơi lại ký ức về một miền quê đã lùi xa vào dĩ vãng. Tôi biết mẹ cũng muốn về, cũng muốn tay bắt mặt mừng với những người từng sớm tối có nhau, có hạt gạo củ khoai cũng sẵn sàng chia nhau mỗi nhà một ít. Đôi mắt mẹ tôi đỏ hoe, bóng chiều ngập đầy trong mắt mẹ.

- Mẹ cũng nhớ quê lắm! Nhưng không được đâu con!

Nhiều lần tôi tự nhủ: Miền Trung với miền Nam, cách nhau có một khoảng giữa hai đầu tàu mà sao như xa xôi vời vợi. Tôi muốn về đó một chuyến, muốn ôm gói lên tàu ngủ một giấc sớm mai là đến miền quê yêu dấu, nhưng tôi chưa đủ lớn để làm được điều đó. Tôi sợ mình lại lạc lõng giữa một sân ga nào đó trên đường đi như đứa em gái năm xưa, đã bị lạc mất trong lúc cả gia đình dọn nhà vào Nam. Tôi sợ mình mãi mãi không nhìn thấy ba mẹ, không thể trở về. Mỗi lúc có chuyến tàu nào về ngang, dừng lại ga ít phút, mẹ tôi cũng lần theo các toa tàu nhìn vào bên trong. Chắc mẹ tìm em. Tôi thường nhìn thấy mẹ lén quệt nước mắt trong những chiều buồn hay những khi tôi vô tình xoa đầu bé gái con của chị Hoa hàng nước: Phải con Mi còn chắc nó cũng bằng chừng này rồi...

Tôi vẫn nhớ những ngày gia đình tôi suy sụp nhanh chóng. Vì người ta bội tín ôm tiền bỏ trốn mà việc làm ăn của ba đứt đoạn, mẹ chọn cách bán trọn căn nhà và mảnh đất để gỡ rối cho ba. Sau khi trả nợ còn dư chút đỉnh, ba mẹ dắt díu anh em tôi vào miền Nam tìm kế sinh nhai. Em tôi lạc mất tại sân ga Diêm Phổ, mẹ tôi đau đớn kêu gào, người ta nhìn gia đình tôi như nhìn những người dân tị nạn. Tôi khóc, ba tôi bất lực khuỵu xuống giữa biển người mênh mông. Nấn ná ở ga hằng tuần, tìm mãi không gặp, gia đình tôi ngậm ngùi rời Diêm Phổ tiếp tục chặng hành trình của mình, không em. Tôi vẫn hay lặng lẽ dò dẫm trên sân ga mỗi sớm mỗi tối, hy vọng nhìn thấy bóng hình đứa em máu thịt năm nào. Bây giờ chắc em tôi đã lớn và không còn làm nũng như xưa. Chị Hoa hàng xóm bảo anh em ruột rà nhất định sẽ nhận ra nhau dẫu thời gian phủ mờ lên quá vãng. Tôi tin vậy. Mẹ tôi mòn mỏi chờ mong.

Tàu cứ lặng lẽ đến rồi đi. Mẹ tôi cứ lặng lẽ sớm gánh hàng ra ga xép bán, tối lại lủi thủi gánh đòn gánh về nhà, có bữa còn hàng, có bữa hết nhẵn. Tiền hàng mẹ tôi đựng trong cái túi nhái con con. Bóng mẹ chập choạng rồi khuất dần trong bóng hoàng hôn trùm phủ đồng chiều.

Đêm cuối năm, trời lạnh. Gió bấc thổi qua cánh đồng vào trong gian nhà trống hoác. Ba vẫn chưa về, mẹ ngồi bên ngọn đèn vá lại chiếc áo cho ba, mắt nhìn về khoảng không mù khơi xa tít. Bỗng dưng tôi òa khóc nức nở như một đứa trẻ:

- Con nhớ nhà cũ, nhớ em Mi quá mẹ ơi!

Tiếng khóc của tôi làm mẹ cũng nghẹn ngào. Mẹ kéo chiếc áo của ba đang vá dở lên chùi nước mắt. Chị Hoa bảo người già thường khó khóc, vậy mà nước mắt mẹ vẫn tuôn, nước mắt thành dòng chảy qua bao năm tháng cuộc đời, chảy qua bao nếp nhăn, bao nhọc nhằn gian khó. Nước mắt có bao giờ cạn dòng. Tôi ngả đầu vào lưng mẹ, mẹ xoa đầu rồi ôm tôi vào lòng. Hơi ấm tỏa ra từ cơ thể mẹ và mùi thơm phả ra từ khuôn miệng móm mém nhai trầu. Bất giác, bóng mẹ cong cong chập chờn trên vách lá.

Đêm cuối năm, hoa mai ngan ngát sân nhà.

Đêm cuối năm, miền quê thanh tĩnh. Trẻ con hội tụ đốt lửa rơm, ca hát rộn ràng.

Đêm cuối năm, mẹ khóc.

Trong đầu tôi lại thấp thoáng hình ảnh nhà cũ thân thương, khoảng sân rộng để anh em tôi nô đùa, nói nói cười cười. Tôi nhớ đến đớn đau bóng hình người quê lam lũ, tảo tần mà nghĩa tình đôn hậu. Nhớ cái giọng miền Trung của bà, của mẹ, của những người xóm quê thân thuộc mỗi lần gọi điện thoại đường dài vào Nam vẫn không quên hỏi mẹ: “Giừ mi ở chộ mô rứa?”,…

Ba chưa về.

Mẹ bảo:

- Chắc ba con lại đi ra sân ga đợi xem có ai về muộn thì đưa họ về với gia đình cho kịp giao thừa.

Tôi tổng kết:

- Năm nào ba cũng ở sân ga đến tận khuya mới về.

- Chắc ba con nhớ quê. Chắc ba con cũng ráng tìm Mi…

Rồi mẹ lặng thinh. Thời gian trôi qua kẽ lá. Cánh đồng chìm trong đêm tịch mịch, yên bình. Khuya nay, có đoàn tàu nào về ngang qua cánh đồng hoang vắng. Tiếng còi hú dài xé toạc thinh không… 

Chia sẻ bài viết