27/10/2012 - 21:26

Có thể chữa bệnh mãn tính nhờ ăn rau củ?

Nghiên cứu của Viện Công nghệ thực phẩm (IFT) mới đây khẳng định các hoạt chất sinh học có trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có khả năng kiểm soát các nhân tố sinh học và di truyền có thể dẫn đến các căn bệnh mãn tính. Phát hiện này ủng hộ ý tưởng trước đó rằng những người theo đuổi chế độ ăn giàu trái cây và rau củ ít khi mắc phải các căn bệnh mãn tính.

Toni Tarver, thành viên của IFT – một tổ chức quốc tế qui tụ hơn 18.000 chuyên gia công nghệ thực phẩm trên khắp thế giới, vừa có bài viết bàn luận về các phát hiện mới gần đây xung quanh bộ gien dinh dưỡng, lý giải làm thế nào mà chế độ ăn có nguồn gốc thực vật lại hiệu quả trong việc phòng tránh bệnh. Bà Tarver cho rằng các hoạt chất sinh học trong thực vật đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát các nhân tố sinh học và di truyền có thể gây ra các bệnh mãn tính. Ví dụ, các chất chống ôxy hóa trong trái cây và rau củ có khả năng đẩy lùi các gốc tự do (free radicals) – tác nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm mãn tính và làm tổn hại các tế bào, trong khi các hợp chất khác thì giúp ức chế một gien có liên quan đến bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch vành hoặc các gien đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và nuôi lớn các khối u.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 63% số người thiệt mạng trong năm 2008 là do bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường típ 2, béo phì và nhiều bệnh mãn tính khác. Chính vì vậy, ông William W. Li – Chủ tịch kiêm Giám đốc y khoa của Quỹ tim mạch tại Cambridge (bang Massachusetts, Mỹ) mới đây kêu gọi người tiêu dùng nên xem xét lại chế độ ăn uống như thể thực phẩm là dược phẩm thiết yếu để duy trì một cuộc sống khỏe mạnh, không bệnh tật. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", ông Li khẳng định.

Trong nỗ lực nhằm tạo ra các loại trái cây và rau củ mới nhiều dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe và hương vị ngon hơn, các nhà khoa học nông nghiệp đã tiến hành lai tạo các giống cây chứa đựng những đặc tính nổi trội. Điển hình là một số loại rau quả mới sau đây:

 

+ Cải Frescada. Công ty nông nghiệp Mỹ Monsanto đã cho ra đời Frescada nhờ lai giống cải Roumanie và Iceberg lại với nhau. Nhờ vậy, Frescada có cả vị ngọt và giòn của Iceberg cùng màu xanh sậm và hàm lượng cao các dưỡng chất như vitamin C và folate (có lợi cho não) của cải Roumanie. Frescada hiện đã có mặt tại thị trường Mỹ.

 

 

+ Bông cải xanh Beneforte. Bằng cách lai một loại bông cải xanh hoang dã ở miền Nam nước Ý chứa glucoraphanin hàm lượng cao với cây bông cải xanh thông thường, các nhà khoa học Anh đã tạo ra giống bông cải xanh có tên Beneforte. Loại bông cải mới này có nồng độ chất chống ung thư glucoraphanin cao gấp 2-3 lần giống cây bố mẹ. Beneforte sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm nay.

 

 

+ Dưa hấu không hạt Fashion. Các nhà khoa học thuộc bộ phận phát triển giống rau quả của Công ty dược phẩm và hóa chất Bayer AG (Đức) đã xử lý các dây dưa hấu còn nhỏ với colchicine (một chất chiết xuất từ cây nghệ tây), để dây dưa hấu vẫn ra trái nhưng không chứa hạt. Trong ảnh là sản phẩm dưa hấu không hạt Fashion chứa hàm lượng cao fructose – một loại đường tự nhiên trong trái cây.

 

 

+ Ớt Angello. Hãng Syngenta AG (Thụy Sĩ) đã mất 8 năm để lai tạo được giống ớt nhỏ không hạt và có vị hơi ngọt này. Angello – được dùng chung với món rau trộn –là nông sản đã đạt được giải thưởng về cải tiến năm nay tại hội chợ trái cây và rau củ lớn nhất thế giới Fruit Logistica.

 

 

 

+ Hành tây EverMild. Loại hành tây mới được trồng trong vùng đất chứa ít lưu lượng chất lưu huỳnh ở miền Tây Bắc nước Mỹ nên rất thơm mà lại ít mùi hăng, nên chắc chắn không làm cay mắt cho các bà nội trợ. Hành tây EverMild sẽ có mặt ở các quầy rau củ ở Mỹ mùa đông năm nay.

 

BẠCH ĐẰNG (Theo IANS, WSJ)

Chia sẻ bài viết