05/12/2018 - 20:04

Cổ phiếu thủy sản, dệt may “ăn nên làm ra” 

Thị trường Chứng khoán (TTCK) hai quý gần đây chứng kiến sự bứt phá tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu các nhóm ngành thủy sản và dệt may. Với sự tăng giá cổ phiếu trung bình từ 50% đến hơn 100% tính từ đầu năm đến nay của hai nhóm ngành này trong khi thị trường chung vẫn giảm khoảng 8% trong cùng thời gian  đã chứng tỏ sự tăng trưởng vững chắc xuất phát từ nội tại kinh doanh tốt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Bứt phá 

Cổ phiếu ACL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE là cổ phiếu có sự bứt phá mạnh mẽ nhất về thị giá trong ngành thủy sản nói riêng và cả thị trường chứng khoán nói chung. Với mức giá 8.000 đồng một cổ phiếu vào ngày 1-1-2018 thì đến ngày 13-11-2018 giá của cổ phiếu ACL đã đạt mức 38.000 đồng một cổ phiếu, mức tăng giá lên đến 375%. Ngoài ra cổ phiếu này còn chia cổ tức 20% bằng tiền mặt vào ngày 27-11-2018, tức là lợi tức 2.000 đồng/cổ phiếu sắp vào tài khoản của những nhà đầu tư giữ cổ phiếu này. Tương tự, cổ phiếu ANV của Công ty cổ phần Nam Việt (HOSE) có mức giá từ 10.000 đồng vào đầu tháng 1-2018 thì đến giữa tháng 11-2018 ANV đã đạt thị giá 31.600 đồng một cổ phiếu, mức tăng giá lên đến 216% so với đầu năm và còn hai lần trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay với tổng cộng là 12%. Ngoài ra, ANV còn phát hành thêm 2,5 triệu cổ phiếu ESOP ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên của công ty vào giữa tháng 11 vừa qua. Một cổ phiếu “dẫn đầu” trong ngành thủy sản đó là VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE) cũng có sự bứt phá ngoạn mục. Từ đầu năm 2018 thị giá của cổ phiếu này là 53.000 đồng thì đến ngày 23-11-2018 thị giá của cổ phiếu này đã lên đến 113.600 đồng trong phiên. Ngoài ra, VHC còn chia cổ tức bằng tiền mặt hai đợt với tỷ lệ 20% vào ngày 15-3 và tiếp theo vào ngày 7-12-2018. Tương tự, còn nhiều cổ phiếu ngành thủy sản khác cũng tăng giá mạnh như cổ phiếu CMX của Công ty cổ phần chế biến Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex); cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta; cổ phiếu ABT của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre... cũng tăng giá từ 50% đến hơn 100% tính từ đầu năm đến nay.


Biểu đồ tăng giá của cổ phiếu ACL.

Cổ phiếu ngành dệt may cũng là một hiện tượng trên thị trường. Cụ thể là cổ phiếu GMC của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (niêm yết trên sàn HOSE) đã tăng giá từ mức 25.000 đồng một cổ phiếu vào đầu tháng 1-2018 lên 45.000 đồng một cổ phiếu vào ngày 14-11-2018 vừa qua. Ngoài ra, trong năm nay cổ phiếu GMC cũng chia cổ tức 2 lần bằng tiền mặt với tổng giá trị 30%, tức là 3.000 đồng một cổ phiếu đã vào tài khoản nhà đầu tư. Kế đó là cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (niêm yết trên sàn HNX) cũng đã tăng giá từ 11.000 đồng một cổ phiếu từ hồi đầu năm lên đến 20.700 đồng một cổ phiếu trong phiên giao dịch vào ngày 13-11-2018 vừa qua. Ngoài ra, cổ phiếu này cũng đã chia cổ tức trong tháng 6 năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5:1 tức là nhà đầu tư giữ 5 cổ phiếu được hưởng cổ tức thêm 1 cổ phiếu nữa là 6 cổ phiếu. Một cổ phiếu dệt may khác là MPT của Công ty cổ phần May Phú Thành (Sàn HNX) cũng tăng giá mạnh từ 3.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm thì hiện nay đã đạt hơn 6.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, nhiều cổ phiếu ngành dệt may khác như GIL, TDT, VGT... cũng tăng giá ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái và so với tình hình chung cả thị trường trong năm nay.

Đón đầu CPTPP và EVFTA

Doanh nghiệp xuất khẩu hai ngành thủy sản và dệt may sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực từ ngày 30-12-2018 và Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa kết thúc đàm phán trong thời gian tới. Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Yuanta, ngành thủy sản sẽ hưởng lợi ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, khi có đến 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong vòng từ 3 đến 4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU trung bình hiện tại là khoảng 14%). Hiệu châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ, dự kiến cả năm nay tổng giá trị hàng hóa mà nước ta xuất khẩu sang châu Âu khoảng 45 tỉ USD.


Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các nước 9 tháng đầu năm 2018. Nguồn Tổng cục Thống kê. Đồ họa: TRẦN ĐĂNG

Bên cạnh đó, hàng dệt may xuất khẩu của nước ta cũng sẽ được hưởng lợi ngay khi CPTPP có hiệu lực. Canada, Úc và các nước phát triển khác tham gia trong hiệp định sẽ phải giảm thuế nhập khẩu hàng dệt may của ta từ mức phổ biến hiện nay là 20-40% về mức 0% trong vòng 3 năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Mặt khác, cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn ra ngày càng gay gắt từ tháng 5-2018 thì một số khách hàng từ Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đơn đặt hàng sang mua với các doanh nghiệp thủy sản và dệt may của Việt Nam thay vì mua từ các doanh nghiệp của Trung Quốc với giá cao hơn do bị áp thuế.

Mới chỉ là bước khởi đầu thuận lợi cho một chu kỳ khả quan còn dài ở phía trước, khi các Hiệp định thương mại này chính thức có hiệu lực. Tiềm năng còn ở phía trước, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp trong các lĩnh vực này có tận dụng được lợi thế mà Chính phủ đã kiên trì đàm phán trong nhiều năm qua để có được các hiệp định này hay không. Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại (TNG) vừa được nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc rót vào 200 tỉ đồng bằng việc mua trái phiếu của công ty để TNG tăng cường đầu tư vào nhà xưởng, máy móc để tăng năng suất, năng lực cạnh tranh trong đó có việc đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu đầu vào trong thỏa thuận của CPTPP. Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) có trụ sở tại tỉnh An Giang tháng 11 vừa qua cũng đầu tư thành lập công ty nuôi trồng thủy sản với vốn điều lệ lên đến 540 tỉ đồng để mở rộng vùng nuôi cá tra nhằm đáp ứng đủ nhu cầu 100% cá tra nguyên liệu để chế biến xuất khẩu của công ty trong thời gian tới. Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đầu tháng 11-2018 cũng tổ chức đại hội cổ đông bất thường thông qua nghị quyết phát hành thêm 75 triệu cổ phiếu cho đối tác nước ngoài với giá không thấp hơn giá thị trường (khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu) nhằm tăng cường vốn điều lệ lên hơn 2.157 tỉ đồng để đầu tư thêm nhà máy chế biến tôm xuất khẩu.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết