02/11/2018 - 20:46

Có nói mới hiểu để yêu thương... 

Sáng nào, khi uống cà phê, cô bạn Nhã Uyên (40 tuổi, làm ngành truyền thông ở quận Ninh Kiều) cũng “chat” qua điện thoại, cười tủm tỉm vẻ thích thú. Khi tôi tò mò đang trò chuyện với ai, Uyên không ngần ngại cho xem những dòng tin nhắn ngọt ngào hai vợ chồng nhắc nhở ăn sáng, chúc nhau làm việc hiệu quả, chồng khen vợ mặc áo mới xinh… Uyên kể, ngày nào cũng hỏi thăm như vậy, nếu ai bệnh hoặc gặp chuyện buồn, mức độ quan tâm càng nhiều hơn. Nhờ thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, vợ chồng luôn thấu hiểu, hỗ trợ nhau khi cần thiết và tình cảm mặn nồng.

Hơn 33 năm chung sống, vợ chồng cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp (quận Ninh Kiều) luôn sát cánh nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Uyên quan niệm, đối thoại vợ chồng rất quan trọng nên từ khi về sống chung, cả hai thỏa thuận không “chiến tranh lạnh”, người này chưa vừa ý điều gì phải góp ý để người kia sửa đổi. Lý thuyết là vậy nhưng áp dụng không mấy dễ dàng. Chồng có tật ham vui, nên dù vợ không vừa ý, anh vẫn thường đi sớm về khuya nhậu nhẹt, chơi bi da với bạn bè. Nhiều lần nói bóng gió, chồng xin lỗi, rồi lại đâu vào đấy nên Uyên giận, không thèm trò chuyện. Những lúc như thế, chồng càng buồn, rồi ra ngoài nhiều hơn để khuây khỏa. Uyên chia sẻ: “Mình thấy im lặng không hiệu quả, giận mấy ngày lòng bức bối, người kia tâm trạng cũng nặng nề. Cuối cùng mình xuống nước, cả ngày đi làm chỉ mong buổi tối vợ chồng, con cái bên nhau, chồng bớt nhậu, đảm bảo sức khỏe, an toàn. Giờ ảnh thay đổi nhiều, làm gì cũng hỏi, chú ý tâm trạng vợ con. Mình cũng giữ cách ăn nói nhẹ nhàng, tế nhị để gia đình luôn vui vẻ. Nhờ đó mà tụi mình dễ tâm sự, gắn bó hơn”.

Đối thoại giữa vợ chồng nghe tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng xem trọng và áp dụng hiệu quả. Nhiều cặp cả ngày chẳng nói câu nào, thậm chí cả tháng chẳng ăn cơm chung. Những buổi tối hiếm hoi gặp mặt thì cha mẹ, con cái cứ dán mắt vào điện thoại, ti vi. Các buổi sáng cuối tuần, tại quán ăn, khu giải trí, có những cặp vợ chồng đưa con cái đi chơi, ở bên nhau mà mỗi người chìm đắm trong thế giới riêng như chơi game, đọc báo hoặc thơ thẩn ngắm cảnh một mình, cảm giác như xa cách…

Chị H.T. (quận Cái Răng) lập gia đình 13 năm, có con trai học lớp 6 và con gái học lớp 2. Công việc kế toán vất vả, chị thường mang sổ sách về làm ban đêm, chồng làm ngành xây dựng đi suốt, mình chị lo việc nhà, đưa rước con. Cực quá nên gặp chồng là chị trách móc, than thở, nói qua lại vài câu là hai người gây gổ, sau đó im lặng hàng tuần. Khi chịu hết nổi, chị nói rồi lại gây, lại im lặng…, khoảng cách ngày càng xa. Chị T. than thở: “Có lúc chồng về thì cả nhà đã ngủ. Sáng tôi lo chuẩn bị cho hai con kịp đi học, tâm trí đâu hỏi han, tâm sự. Biết tôi vất vả lẽ ra ảnh nên thông cảm, nhường nhịn, đằng này lúc nào cũng "cãi tay đôi" với vợ. Riết rồi cuộc sống tẻ nhạt, mỗi tháng ảnh đưa tiền như nghĩa vụ, mình cũng không biết công việc chồng dạo này thế nào. Ảnh cũng không hỏi gì tới mình, mạnh ai nấy sống”. Do thiếu sẻ chia nên chị T. đâu biết chồng đang chịu áp lực về kinh tế, vợ không hiểu còn cằn nhằn nên lắm khi chẳng muốn về nhà.

Trường hợp chị H.T. không phải cá biệt. Áp lực cuộc sống cùng nhiều lý do khác dẫn đến tình trạng vợ chồng "nghẽn mạch" giao tiếp. Điều này thật nguy hiểm đối với hạnh phúc gia đình. Thiếu đối thoại hay đối thoại không đúng sẽ đưa đến hiểu lầm, buồn giận, ngăn cách. Khảo sát ngẫu nhiên với một số cặp vợ chồng chung sống từ 7-10 năm cho thấy, đa số từng trải qua giai đoạn bế tắc do không giao tiếp, không chịu lắng nghe nhau và tình cảm nhạt nhòa… Lúc này, nếu hai bên cư xử không khéo thì người thứ ba rất dễ chen vào vì lắm khi ngoại tình bắt đầu từ việc cần người chỉ để trò chuyện, chia sẻ tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều) là điển hình người tốt việc tốt ở địa phương. Mọi người quý cô Điệp không chỉ ở tấm lòng thiện nguyện mà còn bởi cách sống nghĩa tình, nuôi dạy con cái hiếu thảo. Hơn 33 năm chung sống, vợ chồng cô rất tình cảm, xưng hô anh em ngọt xớt. Cô Điệp kể: “Để xây dựng hạnh phúc gia đình, điều quan trọng phải hiểu và tôn trọng bạn đời. Hằng ngày, dù bận bịu nhưng vợ chồng vẫn thu xếp ăn cơm chung. Còn gì vui hơn mọi người gắp thức ăn cho nhau, trò chuyện vui vẻ, bao mệt nhọc tan biến. Chúng tôi hỏi ý nhau mọi việc, đồng thuận mới làm. Nhờ vậy mà trong ngoài yên ấm”. Còn cô Hà Thị Tuyết Phương (57 tuổi, phường Tân An, quận Ninh Kiều) "bật mí": “Hơn 30 năm qua, chưa bao giờ trong nhà cự cãi, lớn tiếng. Mỗi khi không vừa lòng điều gì, vợ chồng trao đổi, góp ý thẳng thắn, chia sẻ chuyện khó khăn...”.

Thực tế cho thấy, có nói mới hiểu để yêu thương, vì vậy vợ chồng hãy tương tác, đối thoại thật nhiều bằng sự tế nhị, chân thành. Cách thức vợ chồng giao tiếp mỗi ngày sẽ nhân lên hạnh phúc, con cái nhìn cha mẹ thân ái trò chuyện cũng trở nên gần gũi, gắn kết hơn. Hãy xây dựng ngôi nhà là nơi ngơi nghỉ, xả stress, nạp năng lượng tích cực, đừng để vợ/chồng đối mặt mà phải thu mình trong ốc đảo cô đơn.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết