10/01/2012 - 09:09

Cô Nguyễn Thị Chi – dạy giỏi, đam mê sáng tạo

Nhiều học sinh lớp 2A1, Trường Tiểu học Bình Thủy thích thú khi kể chuyện qua Bảng đa năng dạy và học Toán - Tiếng Việt - Tự nhiên xã hội.

Những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi (khung nhôm, thiếc, thùng xốp, giấy...), nhưng qua bàn tay khéo léo của một cô giáo tâm huyết với nghề phút chốc đã trở thành đồ dùng dạy học mang lại hiệu quả giáo dục cao. Tác giả của bộ đồ dùng dạy học “Bảng đa năng dạy và học Toán - Tiếng việt - Tự nhiên xã hội” là cô Nguyễn Thị Chi, giáo viên Trường Tiểu học (TH) Bình Thủy- người đã gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” hơn 20 năm...

Tên của bộ đồ dùng dạy học do cô Nguyễn Thị Chi sáng tạo đúng như công dụng của nó: Sử dụng để dạy và học các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội trong chương trình học từ lớp 1 đến lớp 5. Bộ đồ dùng dạy học này là một trong 6 giải pháp đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ VI, năm 2010-2011. Theo đánh giá của Ban Giám khảo Hội thi: Tính khả thi của giải pháp này là có khả năng áp dụng rộng rãi trong các trường TH, bởi vật liệu rẻ tiền, dễ tìm, dễ làm (khung nhôm, thiếc, bản lề, xốp, giấy A4, bột màu,...), hạn chế ô nhiễm môi trường... Nói về sáng chế của mình, cô Nguyễn Thị Chi cho biết: “Trong quá trình dạy và học, tôi nhận thấy nếu dạy học sinh qua hình ảnh sinh động trực quan các em sẽ thích thú, hiểu và nhớ bài lâu hơn. Bộ đồ dùng dạy học này, ban đầu chỉ là tấm bảng thiếc có gắn những con vật (cá, vịt, chim chóc,...). Sau vài năm sử dụng, tôi đã bổ sung thêm cho đẹp mắt, phong phú hơn...”.

Cô Chi đến một góc phòng học và lấy “sản phẩm” cho chúng tôi xem. Đó là một tấm bảng làm bằng thiếc, khung nhôm sử dụng 4 mặt, 2 chiều, gắn bản lề ở giữa mở ra và gấp lại nhẹ nhàng thuận tiện khi di chuyển. Trên tấm bảng là bức tranh nền làm từ giấy Ao, sử dụng bột màu vẽ phong cảnh đầy màu sắc. Cạnh bên tấm bảng là những chiếc hộp nhỏ chứa nhiều con vật, phong cảnh khác nhau được làm từ xốp màu... Tùy theo chủ điểm mà giáo viên chọn cảnh, vật phù hợp. Các hình ảnh sử dụng băng keo hai mặt dán, hoặc nam châm để kết dính trên tấm bảng thiếc. Cô Chi giải thích: “Khi dạy môn Tập đọc đến bài “Bạn của Nai nhỏ”, tôi sẽ lấy cảnh “núi-rừng” và các con nai, sói... để minh họa cho các em. Các cảnh vật thay đổi theo từng đoạn của câu chuyện. Còn với môn Toán, nếu dạy “1/4 là như thế nào?”, tôi sẽ kết dính 4 con cá trên tấm bảng thiếc và lấy đi 1 con cá... Qua đó, sẽ khơi gợi hứng thú và dẫn dắt các em đạt đến mức độ tư duy sâu sắc hơn trong quá trình hình thành kiến thức và kỹ năng thực hành”.

Có chứng kiến cảnh học sinh say mê kể chuyện thông qua “Bảng đa năng dạy và học Toán - Tiếng Việt - Tự nhiên xã hội”, mới thấy hết công hiệu của bộ đồ dùng dạy học này. Đó là giờ kể chuyện trên lớp, bé Anh Thư, học sinh lớp 2A1 (lớp do cô Chi làm giáo viên chủ nhiệm), trên tay cầm chiếc thước chỉ vào khung cảnh, kể rành mạch câu chuyện “Hai anh em nhà thỏ”. Bé Anh Thư nói: “Con rất thích học giờ học do cô Chi dạy, nhất là khi sử dụng bảng này. Bởi nó vừa đẹp, con vừa chơi, vừa học, lại nhớ lâu...”.

Nhắc đến cô Chi, nhiều phụ huynh học sinh thường khen học sinh của cô vừa giỏi về kiến thức, vừa ngoan. Các đồng nghiệp ở trường thì cho rằng, cô có duyên với nhiều giải thưởng nên hầu như cuộc thi nào, cô Chi cũng đều “rinh” giải thưởng về cho trường. Thầy Lê Văn Vạng, Hiệu trưởng Trường TH Bình Thủy, nhận xét: “Với vai trò là đảng viên, Khối trưởng Khối lớp 2 của trường, cô Nguyễn Thị Chi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp, tham gia tích cực các phong trào đoàn thể. Điều đáng quí là cô rất yêu thương học trò, chính tình thương ấy đã giúp cô toàn tâm, toàn ý dạy bảo học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục”.

Hơn 40 tuổi đời, 21 năm tuổi nghề, không chỉ tâm huyết với nghề, cô Nguyễn Thị Chi còn mê sáng tạo. Cô bộc bạch: “Hiện nay, tôi đang làm đồ dùng dạy học “quyển sổ đa năng” và “chiếc vòng kỳ diệu” để sử dụng cho các môn học trong chương trình TH, nhằm giúp các em vừa chơi, vừa học...”.

Bài, ảnh: N.NGÂN

Chia sẻ bài viết