09/03/2018 - 10:42

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam 

Ngày 8-3-2018 (tức 1h sáng ngày 9-3 theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tham gia Lễ ký kết chính thức Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố Santiago, Chile. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã tham dự Lễ ký kết Hiệp định này.

​Tại Lễ ký kết này, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung chia sẻ quan điểm cho rằng, bằng việc đạt được các kết quả tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiệp định này thể hiện cam kết chung của các nước thành viên đối với hệ thống thương mại hiệu quả, dựa trên quy tắc và minh bạch, có tính mở đối với tất cả các nền kinh tế sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc này. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, khẳng định: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, các quốc gia thành viên không chỉ nhận được những lợi ích trước mắt, đơn thuần về thương mại, mà vấn đề cơ bản là hiệp định này sẽ mang lại động lực cho sự phát triển của mỗi nước về các khía cạnh về kinh tế, chính trị, xã hội. Tất cả các quốc gia thành viên đều đánh giá rất cao về chất lượng của hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này cho dù không còn có nền kinh tế lớn như Mỹ tham gia.

Cơ hội rất lớn ở phía trước

Là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, CPTPP đem lại lợi ích cụ thể cho Việt Nam cả về chính trị-đối ngoại lẫn kinh tế, xã hội. Trước hết, tham gia CPTPP sẽ giúp tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam cả ở khu vực và quốc tế. Về triển vọng kinh tế, Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico..., cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ước tính, Việt Nam có thể tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Cùng với đó là cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng các ngành sản xuất nội địa, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia đối với nhiều ngành nghề. Từ đó, cấu trúc kinh tế của Việt Nam cũng phải được điều chỉnh toàn diện. Xuất khẩu và đầu tư cũng có vai trò quyết định trong tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo.

CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất gạo xuất khẩu doanh nghiệp trên địa bàn quận Thốt Nốt. Ảnh: N.HƯƠNG
CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất gạo xuất khẩu doanh nghiệp trên địa bàn quận Thốt Nốt. Ảnh: N.HƯƠNG

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phần quan trọng khác chính là việc giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước để vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện và triệt để, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bởi khi tham gia, Việt Nam sẽ phải đưa ra những cam kết rõ ràng hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. CPTPP sẽ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng cân bằng hơn và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài. Ngoài ra, CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.

Thách thức không nhỏ

Đánh giá về các thách thức của CPTPP với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và các chuyên gia kinh tế nhận định văn kiện này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Hiệp định này còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

CPTPP sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh minh bạch ở Việt Nam. Doanhn ghiệp đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN
CPTPP sẽ tạo động lực thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh minh bạch ở Việt Nam. Doanhn ghiệp đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tất cả tạo ra sức ép to lớn trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, Việt Nam có trình độ phát triển được xem là thấp nhất trong các thành viên CPTPP.

Những tác động tiêu cực từ những yêu cầu phải mở cửa thị trường mua sắm công, thuế nhập khẩu hay thiếu chiến lược đầu tư hiệu quả...  có thể khiến cho lợi ích tổng thể của nền kinh tế bị suy giảm. Trong khi đó, quá trình cải cách thể chế trong nước chậm chạp có thể không bắt kịp với tiến trình chuyển đổi nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập trong CPTPP, cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà CPTPP mang lại.

Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”. Trong bối cảnh khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém thì nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế gia tăng.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận sau khi đàm phán thành công và ký kết, thách thức hội nhập mới trở thành hiện thực đúng nghĩa. Theo ông, đây sẽ là thời điểm cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế,  là những thứ mà Việt Nam còn "yếu và thiếu", do vậy vẫn còn nhiều việc phải làm.

Kế hoạch hành động

Về sự chuẩn bị của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện CPTPP, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động để xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ, trong đó việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải rà soát pháp lý và điều chỉnh các khung pháp luật của nhà nước để thực hiện những cam kết hội nhập của hiệp định CPTPP.

Tiếp đó là tổ chức công bố và cung cấp thông tin đầy đủ cũng như thực hiện các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về CPTPP cho tất cả các đối tượng chủ thể của hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện; vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận với những nội dung, điều kiện và cơ hội, cũng như những thách thức, yêu cầu của CPTPP để các doanh nghiệp biến nó vào trở thành những chương trình hành động trong việc thực thi cam kết hội nhập, đồng thời khai thác những cơ hội và điều kiện thuận lợi của CPTPP và thực hiện tái cơ cấu để ứng phó, cũng như hạn chế những thiệt hại và tác động theo chiều khác của hiệp định hội nhập này.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cũng cần phải thành lập về mặt thể chế các cơ chế để đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện CPTPP. Trong khuôn khổ của CPTPP, các quốc gia cũng đã thống nhất có những cơ chế chung trong việc tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực thi hiệp định ở mỗi quốc gia thành viên. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến một yếu tố rất quan trọng - đó là vai trò, sự chủ động của mỗi cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các bộ ngành là thành viên chính phủ vì những nội dung, nhiệm vụ liên quan đến việc thực thi CPTPP đòi hỏi sự tham gia rất sâu rộng và chủ động của mỗi bộ ngành. Ngoài ra, không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng phải xác định và hiểu rõ những nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra trong việc tổ chức thực thi CPTPP.

P.V ( Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết