15/04/2011 - 11:00

QUAN HỆ THƯƠNG MẠI GIỮA VIỆT NAM-EU

Cơ hội và thách thức

Nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) vừa tổ chức Hội thảo “Ngày hội Thông tin kinh tế Việt Nam-EU”. Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi về những triển vọng hợp tác với EU; những cơ hội, thách thức khi doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU...

EU thị trường lớn, đầy tiềm năng

 “Quầy thông tin”, nơi DN Việt Nam có thể tìm hiểu, trao đổi những thông tin thú vị về thị trường EU. (Ảnh chụp tại Hội thảo “Ngày hội Thông tin kinh tế Việt Nam - EU, tổ chức ngày 6-4-2011, tại TP Cần Thơ).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2005 đến 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-EU luôn tăng (trừ năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới) và mỗi năm chiếm khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam xuất sang EU 5 mặt hàng chủ lực: hải sản, cà phê, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ và nhập về chủ yếu là các máy móc, thiết bị; nguyên phụ liệu cho ngành dệt may; tân dược, sắt thép, phân bón... Ông Nguyễn Cảnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Châu Âu, Bộ Công Thương, nhận định: Năm 2011, quan hệ thương mại giữa Việt Nam-EU sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm và không đều giữa các thị trường do kinh tế một số nước thành viên EU còn gặp nhiều khó khăn. Bởi thời gian này, Việt Nam và EU đều áp dụng chính sách “thắt lưng, buộc bụng”. Tuy nhiên, sang năm 2012, quan hệ này sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi thị trường EU phục hồi nhờ các chính sách kinh tế đã phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam-EU được ký kết và có hiệu lực sẽ thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng mạnh.

EU là một thị trường “khó tính” trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Để xuất khẩu sang thị trường EU nói chung và thị trường Đức nói riêng, ông Hans Georg Jonek, Chuyên gia Tổ chức CIM (Học viện đào tạo Marketing, Đức), chia sẻ: DN Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, có những định hướng lâu dài, chiến lược kinh doanh tổng hợp... Bên cạnh đó, DN cần việc tạo lập và chọn chuỗi cung ứng sản phẩm phù hợp, sao cho sản phẩm đi từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, ngắn nhất. Ông Oliver Regner, Phó trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK), cho biết: Hiện Đức có rất nhiều chương trình hỗ trợ để DN Việt Nam gặp gỡ với các DN Đức thông qua: AHK tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; liên kết với Hội DN Đức; các kỳ hội chợ tổ chức ở Việt Nam và Đức; qua website các công ty Đức như: www.vietnam.ahk.de, website thành viên: www.gba-vietnam.org, website cơ sở dữ liệu: www.vdma.org. Ông Oliver Regner cho rằng, các nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh... là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam nên hướng đến trong thời gian tới.

Cơ hội và thách thức

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU không ngừng phát triển. Ngày 1-4-2011, Ủy ban Châu Âu (EC) chính thức bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá 10% đối với sản phẩm da giày nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một tín hiệu vui cho ngành da giày Việt Nam, một trong 5 ngành có mức kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất nước. Đặc biệt, FTA giữa Việt Nam - EU đang nghiên cứu khả thi và nhiều khả năng việc đàm phán, ký kết giữa hai bên sẽ được thực hiện. Nếu FTA giữa Việt Nam-EU được ký kết sẽ tạo điều kiện cho nhiều lĩnh vực thương mại của nước ta như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư... phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, khi xâm nhập vào thị trường EU, Việt Nam có những thuận lợi căn bản: Hiện EU coi trọng Việt Nam hơn trước đây trong việc điều chỉnh các chính sách hướng tới châu Á; hàng hóa Việt Nam lưu thông tự do, thuận lợi, nhanh chóng và được miễn thuế nhập khẩu giữa các nước thành viên EU; năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Bên cạnh đó, các nguồn lực ngoài nước: ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức), FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), các chuyên gia cao cấp... đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều nhờ sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển. Nhiều DN Việt Nam, sản phẩm “Made in Việt Nam” đã tạo lập được vị trí, uy tín... trong quan hệ bạn hàng và đối với người tiêu dùng tại EU...

Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11-1990. Trong lĩnh vực kinh tế, mối quan hệ này luôn được duy trì và không ngừng mở rộng thông qua việc ký kết: Hiệp định dệt may Việt Nam-EU (1992), Hiệp định hợp tác Việt Nam-EU (1995), Hiệp định thương mại giày dép (1999), Thỏa thuận Việt Nam-EU về việc Việt Nam gia nhập WTO ( 2004), Hiệp định tiếp cận thị trường Việt Nam-EU (2005).

Năm 2010, Việt Nam và EU đã ký tắt Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (PCA). Tương lai không xa, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam-EU sẽ được ký kết.

Bên cạnh những thuận lợi, DN Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn tại thị trường EU: Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu tại thị trường EU như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines... Tình hình kinh tế kém khả quan tại một số nước EU có thể dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng trong ngắn và trung hạn. Hơn nữa, tâm lý, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng giữa các nước thành viên EU vẫn có sự khác biệt đòi hỏi các sản phẩm và phương thức kinh doanh khác nhau. Đặc biệt, sức ép bảo hộ đối với một số ngành nghề tại EU như: da giày, thủy sản, nông sản.... còn khá cao khiến EU phải nghĩ tới các biện pháp hạn chế nhập khẩu; các mặt hàng tăng trưởng nóng, chiếm thị phần lớn có nguy cơ bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn lao động, môi trường...

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Công Thương, cho biết thêm: “Để phát huy vai trò và khẳng định vị thế trên thị trường EU, DN Việt Nam cần hợp tác với DN các nước thành viên EU mới ở Trung và Đông Âu; hợp tác với các doanh nhân Việt Nam định cư tại EU để thâm nhập vào thị trường ngách; liên hệ chặt chẽ với các Tham tán Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại và Vụ Thị trường Châu Âu để cập nhật thông tin, kết nối bạn hàng và tham vấn chuyên môn... Song song đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp hỗ trợ DN như chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia; Tham tán thương mại Việt Nam tại EU cần cung cấp thông tin thị trường, tham vấn chuyên môn, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong các bất đồng, tranh chấp thương mại...”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết