29/01/2018 - 21:05

Cơ hội phát triển chuỗi giá trị trái cây 

TP Cần Thơ hiện có diện tích cây ăn trái khá lớn, với hơn 17.120ha. Để xây dựng và phát  triển bền vững chuỗi giá trị trái cây, thành phố đã và đang quan tâm triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho nông dân từ  huy động các nguồn lực trong nước và tranh thủ các chương trình, dự án tài trợ quốc tế.

Những kết quả bước đầu

Vườn cây ăn trái của gia đình ông Huỳnh Văn Năm ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Thời gian qua, nông dân tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ tích cực chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp thành phố cũng tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tại thành phố có 17.121ha cây ăn trái, với sản lượng trái cây mỗi năm đạt hơn 98.000 tấn.

Bước đầu, thành phố đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây tập trung, chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, như: xoài cát Hòa Lộc ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; dâu Hạ Châu Phong Điền; vú sữa (Phong Điền, Bình Thủy)…Thành phố xây dựng được 12 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái (tại Cái Răng, Phong Điền, Thới Lai…), góp phần tăng thu nhập cho nông hộ từ 1,5-2 lần so với chuyên trồng cây ăn trái.

Để nâng cao giá trị cho trái cây, ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nhất là tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có 9,85ha trồng cây ăn trái tại Hợp tác xã quả an toàn Trường Thuận 1 ở xã Trường Long, huyện Phong Điền được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, với các loại cây ăn trái như: sầu riêng, vú sữa, nhãn, mít và cam.

Lồng ghép vào nhiều chương trình, dự án và kế hoạch sản xuất nông nghiệp hằng năm, thành phố tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ nông dân về giống cây trồng và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thời gian qua, thành phố cũng triển khai nhiều đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất như: Dự án WB6, hoạt động quản lý bệnh chổi rồng trên nhãn… Đặc biệt, thông qua Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Cần Thơ triển khai Tiểu dự án mô hình thí điểm sản xuất lúa và cây ăn quả ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước tại khu thí điểm, tăng thu nhập cho nông dân bằng cách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản xuất và tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan.

Hiện nay, nhiều nông dân trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ… có thể đạt thu nhập mỗi năm từ 20-50 triệu đồng/công vườn. 

Cơ hội phát triển

Mới đây, TP Cần Thơ đề nghị và được Đoàn công tác của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận cho thành phố tham gia Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam (EACVN) để phát triển lĩnh vực trồng cây ăn trái. Đây thực sự là cơ hội để thành phố có thêm các điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp và các bên liên quan phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam (EACVN) do Quỹ giảm nghèo Nhật Bản tài trợ ủy thác qua Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao. Dự án sẽ có các hỗ trợ nhằm tăng cường các điều kiện thuận lợi về chính sách, thể chế và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trong thương mại hóa một số nông sản ở các địa phương tham gia dự án. Dự án tăng cường năng lực lập kế hoạch đầu tư công và quản lý chi tiêu công của tỉnh, trong đó lồng ghép được các hạng mục đầu tư tư nhân nhằm thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp; thiết lập các cơ chế hợp tác công tư trong chuỗi giá trị nông sản có tính khả thi cao để đưa vào trong chương trình vốn vay của ADB cho các địa phương ở giai đoạn tiếp theo… Dự kiến có 3-4 tỉnh, thành trong nước được tham gia dự án trong thời gian từ 2017-2019. Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao phối hợp với ADB xác định các địa phương có nguyện vọng và năng lực tham gia dự án này. Tại buổi làm việc với TP Cần Thơ mới đây, Đoàn công tác của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn và đại diện của ADB đã thống nhất cao với nguyện vọng tham gia dự án của TP Cần Thơ để phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: “Cần Thơ đăng ký tham gia dự án và mong muốn dự án giúp thành phố xây dựng vùng chuyên canh trái cây với quy mô tương đối lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và xây dựng, phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái bền vững. Đặc biệt, với vai trò là trung tâm động lực phát triển của vùng và điều kiện diện tích đất sản xuất không nhiều, TP Cần Thơ xác định cần thu hút đầu tư, hình thành được nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến trái cây để tập trung trái cây của đồng bằng về thành phố chế biến và đưa đi xuất khẩu”. Ông  Sanath Ranawana, Chuyên gia cao cấp về kinh tế tài nguyên tự nhiên của ADB, thống nhất cho rằng: “Cần Thơ với diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ nên đầu tư phát triển chế biến  trái cây và trung chuyển hàng để đưa đi tiêu thụ các nơi. Tới đây, ADB sẽ có cuộc họp cụ thể với các tỉnh, thành tham gia dự án nhằm bàn cụ thể kế hoạch triển khai và tổ chức thành lập tổ công tác tại địa phương để phối hợp thực hiện tốt dự án”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện  trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cùng với TP Cần Thơ, dự kiến có 2 tỉnh nữa được tham gia dự án là tỉnh Tây Ninh và tỉnh Thái Bình.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết