22/08/2015 - 16:18

Cơ hội mới cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) tại TP Cần Thơ đang "ấm lên", các nhà đầu tư trên lĩnh vực này khá lạc quan, mở ra cơ hội bán được hàng, giải quyết hàng tồn kho, tiếp tục đầu tư dự án mới... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) khách hàng ngại mua, tiềm ẩn nguy cơ mất đi cơ hội vàng này...

* Còn nhiều khó khăn

Mới đây, lãnh đạo UBND thành phố có buổi làm việc với Hiệp hội BĐS thành phố, các nhà đầu tư và các sở, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư BĐS. Cụ thể là tạo điều kiện để chủ đầu tư dự án BĐS tìm đầu ra cho sản phẩm, "chốt" lãi vay ngân hàng, làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và tái đầu tư các giai đoạn tiếp theo của dự án... Hầu hết các nhà đầu tư đều có chung nhận định, thị trường đang trong giai đoạn "ấm lên", là cơ hội tốt để nhà đầu tư "xả hàng". Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trước mắt, những khó khăn còn tồn đọng lâu nay của nhà đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, ước tính, đất nền thương mại (dịch vụ, khu đa chức năng) còn tồn kho khoảng 25,29 ha; đất nền liên kế và đất nền thương mại khác, diện tích tồn kho khoảng 92,31 ha. Tổng cộng diện tích tồn kho trên địa bàn thành phố khoảng 117,6 ha, giá trị ước tính trên 5.160 tỉ đồng. "Con số có thể còn cao hơn nữa. Lượng hàng tồn này cũng chính là tác nhân gây nên nợ xấu, liên quan đến dòng vốn lưu thông của nền kinh tế" – ông Tiến nhận xét.

Về thực hiện chủ trương của Chính phủ cho mua lô nền dự án tồn kho phục vụ tái định cư là rất phù hợp. Nhưng thực tế không ít chủ đầu tư sau khi bán nền để thành phố bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất ở các dự án giao thông, công trình phúc lợi, đến nay vẫn chưa có kinh phí để hoàn trả cho doanh nghiệp. Nguyên nhân do các dự án sử dụng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, nhưng ngân sách còn khó khăn nên chưa thanh toán cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, có trường hợp doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng chưa được các cơ quan địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng. Ông Vũ Tất Dậu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Cần Thơ, kiến nghị: Ngành thuế không hồi tố việc tính lại tiền sử dụng đất trên diện tích đất đã nộp tiền sử dụng đất (dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ); nhanh chóng cấp GCNQSDĐ cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Đây là thời cơ quý giá để các doanh nghiệp bán hàng tồn kho, nếu không có "giấy đỏ", khách hàng sẽ không mua, doanh nghiệp mất đi cơ hội này.

 Các dự án trung tâm thương mại của các tập đoàn lớn đầu tư tại TP Cần Thơ gián tiếp góp phần làm “ấm lên” thị trường bất động sản Cần Thơ. Trong ảnh: Tòa nhà Vincom Cần Thơ đang xây dựng.

Ông Võ Minh Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà Cần Thơ, nêu vấn đề: Khu nhà ở công vụ do công ty đầu tư để giao cho thành phố, nhưng việc trả lại vốn đầu tư cho công ty quá chậm; những lô nền tại các dự án do công ty đầu tư giao cho thành phố bố trí tái định cư cho dân cũng quyết toán rất chậm, gây khó khăn cho công ty trong hoạt động kinh doanh...

* Tạo điều kiện doanh nghiệp vượt khó

Phó Chủ tịch UBND thành phố - Võ Thị Hồng Ánh, chia sẻ những khó khăn này của doanh nghiệp, đồng thời cam kết: UBND thành phố và các sở, ngành sẽ quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đầu tư kinh doanh BĐS. Các sở, ngành sớm có công văn gửi doanh nghiệp trả lời các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp. Riêng các đề xuất mang tính cụ thể của từng doanh nghiệp sẽ được thành phố xem xét, nhanh chóng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, nhất là vào thời điểm thị trường BĐS đang "ấm lên" để doanh nghiệp bán được hàng tồn kho, giảm lãi vay ngân hàng, tái đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước...

Thực tế, hàng tồn kho tại thị trường Cần Thơ còn nhiều do công tác dự báo quy hoạch trước đây không được chính xác. Nhu cầu xã hội hiện không phải không nhiều, nhưng bị chi phối bởi giá cả mua bán... Từ đó, có thể thấy tháo gỡ khó khăn này phụ thuộc chính vào khách hàng, nhu cầu mua thì có nhưng giá bán vượt khả năng tài chính, để có giá cả hợp lý, dễ bán hơn cũng "bó tay". Do đó, nhà đầu tư nên cân đối lợi nhuận phù hợp thay vì phải ôm hàng đóng lãi vay, sản phẩm tiếp tục tồn kho.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, toàn thành phố hiện có hơn 3.400 tỉ đồng dự nợ tín dụng lĩnh vực BĐS, dư nợ BĐS so với đầu năm cũng đã tăng 28%. Thành phố hiện có 5 tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội. Nhìn chung hệ thống ngân hàng có nhiều chính sách tích cực cho người dân mua nhà ở. Nguồn vốn đang dư thừa, các ngân hàng đang "săn" khách hàng để cho vay. Lãi suất trung dài hạn từ 9,5 – 11,5 %/năm, trong khi đó lãi suất huy động cao nhất là 7%/năm, như thế là khá hợp lý. Đây là tín hiệu khả quan cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS, phù hợp với nhận định của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, khẳng định: Theo qui định chung, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính và dự án khu dân cư phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mới được cấp GCNQSDĐ. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo được 2 điều kiện này thì chắc chắn sẽ không được cấp GCNQSDĐ. Hiện nay, tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố không còn hồ sơ tồn đọng chờ cấp GCNQSDĐ của doanh nghiệp.

Ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hiệp hội BĐS, đề xuất thêm: UBND thành phố và các sở, ban ngành chức năng, Ngân hàng Nhà nước nên sắp xếp mỗi quý một lần tổ chức hội nghị với sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhằm lắng nghe nguyện vọng, ý kiến đề xuất để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp. Thành phố nên có chính sách hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nhu cầu đầu tư tại TP Cần Thơ để giải phóng hàng tồn kho, đồng thời tạo tính thanh khoản tốt cho thị trường và xử lý nợ xấu…

Bài, ảnh: Thiện Khiêm

Chia sẻ bài viết