07/04/2018 - 09:02

Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”

Cơ hội lớn thúc đẩy hợp tác vùng 

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh, chúng ta đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh, hiện đại và là trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe và văn hóa của vùng. Từ định hướng đó, TP Cần Thơ luôn quan tâm, hỗ trợ, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển.

Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” do Bộ Ngoại giao tổ chức tới đây, với vai trò chủ nhà, sẽ là cơ hội tốt để TP Cần Thơ tạo ấn tượng, hy vọng mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy, mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến với  TP Cần Thơ.

Doanh nghiệp Nhật Bản trong một buổi trao đổi với các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ về vấn đề môi trường. 

Nhà đầu tư tiềm năng

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Thương  mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết: Năm 2016 và 2017, VCCI Cần Thơ đón tiếp trên 20 đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến ĐBSCL tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, giáo dục, y tế, du lịch… Ngược lại, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng tham gia cùng đối tác tổ chức hội nghị kinh doanh châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản để thường xuyên thúc đẩy quan hệ hợp tác. Bước đầu đã có những tiến triển tốt, đã có 2 nhà hàng do Nhật Bản đầu tư tại TP Cần Thơ, 10 công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông đã ký kết hợp tác cùng VCCI Cần Thơ xây dựng trung tâm công nghệ. Dự kiến trong năm 2018 sẽ ra mắt Trung tâm đổi mới công nghệ Nhật Bản tại TP Cần Thơ. Trong lĩnh vực giáo dục, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư xây dựng trường dạy tiếng Nhật ở bậc học phổ thông tại TP Cần Thơ. Các công ty Nhật Bản sẽ có nhiều chương trình du lịch nối ĐBSCL với Nhật Bản. VCCI Cần Thơ đang chuẩn bị tích cực cho chương trình đưa 200 doanh nhân Nhật Bản đi trực tiếp từ Tokyo đến sân bay quốc tế TP Cần Thơ để tham dự hội nghị đầu tư vào TP Cần Thơ. Đây được xem là dấu mốc quan trọng cho thúc đẩy phát triển thương mại đầu tư giữa TP Cần Thơ và Nhật Bản.

Theo nhận định của các nhà đầu tư Nhật Bản, ĐBSCL và đặc biệt là TP Cần Thơ, đang là một trong những thị trường nhiều tiềm năng. Tại TP Cần Thơ hiện có 6 dự án vốn đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12 triệu USD. So với nhiều tỉnh, thành thì con số này còn khá khiêm tốn nhưng đây được xem là tín hiệu tốt cho Cần Thơ khi mà trước đây vùng ĐBSCL và Cần Thơ không phải là ưu tiên lựa chọn của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư với các đối tác Nhật Bản, TP Cần Thơ đã thành lập Văn phòng Japan Desk làm vai trò kết nối với các hiệp hội, các tổ chức để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh của Cần Thơ đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ. Ông Kyoshiro Ichikawa, chuyên gia cố vấn Japan Desk tại TP Cần Thơ nhận định, tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với vị thế là trung tâm của vùng Tây Nam bộ, Cần Thơ hiện được xem đầu mối giao thương và tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp cơ khí, hạ tầng logistics cảng biển...

Những năm vừa qua, các tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ đã thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, thương mại với Nhật Bản. Tuy nhiên, nhà đầu tư Nhật Bản tại địa phương còn khiêm tốn. Ông Sasaki Noriyuki, Phó Giám đốc Công ty TNHH Brainworks Asia, cho biết: Để thu hút mạnh các nhà đầu tư Nhật Bản, TP Cần Thơ cần quan tâm đến phát triển hạ tầng. Đó là đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi, giải trí... Đồng thời, vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản để doanh nghiệp Nhật biết đến vùng đất này nhiều hơn.  

  Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Điểm mạnh trong thu hút đầu tư là TP Cần Thơ có lợi thế về dịch vụ, đó là có hệ thống cảng sông, thành phố được Chính phủ chọn là trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là điều kiện kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài. Cần Thơ còn là trung tâm thương mại, giáo dục, y tế phát triển nhất vùng ĐBSCL...  Chính quyền thành phố sẵn sàng phục vụ cho nhà đầu tư, xây dựng những chính sách cụ thể cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản, một trong những đối tác chiến lược của thành phố.

Kỳ vọng từ cuộc “ gặp gỡ”

Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” là hội nghị cấp vùng do Bộ Ngoại giao chủ trì, dự kiến tổ chức vào 18-19/4/2018 tại TP Cần Thơ, với khoảng 300- 400 đại biểu. Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư của các địa phương khu vực ĐBSCL với các đối tác Nhật Bản. Mục đích của hội nghị nhằm kết nối, thúc đẩy việc hợp tác đầu tư của các địa phương khu vực ĐBSCL với các đối tác Nhật Bản tại Việt Nam và các đối tác quan tâm đến từ Nhật Bản. Tại hội nghị này, Cần Thơ sẽ phát huy vai trò là trung tâm ĐBSCL, nâng cao vị thế của thành phố trước đối tác Nhật Bản; đồng thời, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của thành phố, thu hút đầu tư từ các đối tác Nhật Bản... Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam nhấn mạnh, đây là sự kiện lớn, với vai trò chủ nhà, sẽ là cơ hội tốt để TP Cần Thơ tạo ấn tượng với nhà đầu tư Nhật Bản. Do đó, trong công tác chuẩn bị các bài tham luận cũng như các đề mục dự án giới thiệu hợp tác đầu tư sẽ tập trung đi sâu vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và đặc biệt phù hợp với nhu cầu của thị trường Nhật Bản. Hội nghị gặp gỡ lần này cũng được xem là tiền đề để kỳ vọng có được những kết quả tốt đẹp, thu hút đông nhà đầu tư Nhật Bản đến với hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ (dự kiến tổ chức tháng 8-2018).

Theo ông Phạm Thế Vinh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, trong 2 ngày, hội nghị tập trung thảo luận nhiều vấn đề. Cụ thể, phiên thảo luận 1: “Hợp tác phát triển” về lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo và biến đổi khí hậu. Phiên thảo luận 2:  “Hợp tác địa phương” về lĩnh vực văn hóa, du lịch và lao động. Phiên thảo luận 3:  “Hợp tác kinh tế đầu tư” về lĩnh vực nông nghiệp (hợp tác đầu tư: sản xuất nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp). Ngoài ra, hội nghị còn có các hoạt động bên lề như: tham quan các điểm du lịch; thực địa các khu công nghiệp, dự án đang kêu gọi đầu tư, các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại TP Cần Thơ...

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Địa phương, Hỗ trợ quảng bá và kết nối địa phương với các đối tác quốc tế, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, cho biết: Việc Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” bên cạnh kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại  giao Việt Nam - Nhật Bản, đây còn nhằm tạo cơ hội tốt để vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng giao lưu thúc đẩy hợp tác với đối tác chiến lược Nhật Bản. ĐBSCL được nhận định là khu vực năng động, nhiều tiềm năng phát triển đang được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, nhưng thực tế sự hiện diện của doanh nghiệp Nhật Bản tại đây còn hạn chế so với tiềm năng, phần lớn tập trung tại TP Cần Thơ. Hy vọng qua hội nghị này nhà đầu tư Nhật Bản hiểu nhiều hơn về ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Đặc biệt là qua những giai đoạn phát triển, Cần Thơ đã xây dựng được mạng kết nối thuận lợi đến các tỉnh, thành trong cả nước và các tỉnh lân cận. Cùng với chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, người dân tại đây sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, nhà tài trợ đến từ Nhật Bản. Theo kết quả từ các hội nghị gặp gỡ trước đây, sau hội nghị các nhà đầu tư phản ứng rất tích cực, nên có cơ sở để hy vọng rằng hội nghị lần này sẽ thúc đẩy ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng kết nối tốt hơn nữa với các nhà đầu tư Nhật Bản. 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết